Vừa rồi, tại Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) xảy ra vụ sập tường khiến nhiều người thương vong. Thông qua sự việc lần này, mọi người cần biết những yêu cầu về bảo hộ lao động trong thi công công trình.
Theo đó, An toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm bảo đảm không làm suy giảm sức khỏe, thương tật, tử vong đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Về máy móc, vật tư:
- Các loại máy, thiết bị, vật tư phải được kiểm định theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
- Trường hợp phạm vi hoạt động của máy, thiết bị thi công vượt khỏi mặt bằng công trường hoặc do điều kiện thi công, thiết bị thi công phải đặt ở ngoài phạm vi công trường tạo ra vùng nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng thì nhà thầu thi công xây dựng phải lập và trình chủ đầu tư phê duyệt biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn cho người, tài sản, công trình lân cận, báo cáo cơ quan có thẩm quyền ở địa phương nơi thi công công trình và phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với các máy, thiết bị, vật tư quy phải được Bộ Xây dựng cấp, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Ngoài ra hướng dẫn tại QCVN 18: 2014/BXD về an toàn trong xây dựng thì có nhiều yếu tố, đơn cử như:
Yêu cầu chung trong Công tác bốc xếp và vận chuyển
- Khi vận chuyển vật liệu và sản phẩm hàng hóa phục vụ cho việc xây dựng, ngoài các yêu cầu của phần này còn phải tuân thủ nội quy công trường.
- Tải trọng tối đa cho phép mỗi người lao động trên 18 tuổi khi bốc xếp, mang vác với quãng đường không quá 60 m như sau: nam 50 kg, nữ 30 kg.
- Bãi bốc xếp hàng phải bằng phẳng; phải quy định tuyến đường cho người và các loại phương tiện bốc xếp đi lại thuận tiện và bảo đảm an toàn.
- Trước khi bốc xếp - vận chuyển, phải xem xét kỹ các ký hiệu, kích thước khối lượng và quãng đường vận chuyển để xác định và trang bị phương tiện vận chuyển đảm bảo an toàn cho người và hàng.
Yêu cầu chung về Sử dụng dụng cụ, thiết bị cầm tay
- Dụng cụ, thiết bị cầm tay phải an toàn và tiện lợi, các bộ phận chuyển động phải được che chắn tối đa, có cơ chế tắt ngay lập tức và không bị ngẫu nhiên bật trở lại, không làm việc quá tốc độ an toàn ghi trên dụng cụ và chỉ khởi động từ tốc độ nhỏ nhất.
- Các dụng cụ, thiết bị có khối lượng 10 kg trở lên phải được trang bị cơ cấu để nâng, treo khi làm việc.
- Các dụng cụ, thiết bị cầm tay dùng để đập, đục phải bảo đảm:
+ Đầu mũi không bị nứt nẻ, hoặc bất cứ một hư hỏng nào khác;
+ Cán không bị nứt, vỡ, không có cạnh sắc và phải có chiều dài thích hợp đảm bảo an toàn khi thao tác.
- Dụng cụ, thiết bị cấp cho người lao động phải đồng bộ, kèm theo hướng dẫn sử dụng dễ hiểu và dễ thực hiện.
Yêu cầu chung Về Giàn giáo, giá đỡ và thang
- Tất cả các loại giàn giáo, giá đỡ phải được thiết kế, thi công, lắp dựng, nghiệm thu và bảo dưỡng đảm bảo an toàn. Chú ý những chỉ dẫn, quy định, yêu cầu kỹ thuật được ghi hoặc kèm theo chứng chỉ xuất xưởng của nhà sản xuất giàn giáo chuyên dùng.
- Không được sử dụng giàn giáo, giá đỡ, thang không đúng chức năng sử dụng của chúng. Không được sử dụng giàn giáo, giá đỡ được lắp kết hợp từ các loại, dạng khác nhau hoặc sử dụng nhiều loại mà không có thiết kế riêng.
- Không được chống giáo lên mặt phẳng nghiêng khi không có biện pháp kỹ thuật chống trượt cho thanh chống.
Xem chi tiết tại QCVN 18: 2014/BXD
Cập nhật bởi MinhPig ngày 16/05/2020 01:50:47 CH