Thứ nhất: Không phải đăng ký nội quy lao động
Điều 119 Bộ Luật lao động 2012 quy định doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản.
Doanh nghiệp dưới 10 người lao động không cần ban hành nội quy lao động bằng văn bản; doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận các nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và ghi trong hợp đồng lao động để thực hiện.
Đặc biệt, trong đó Khoản 4 Điều 10 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH có quy định chi tiết nội dng trên:
"4. Người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động không phải đăng ký nội quy lao động; trường hợp ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì hiệu lực của nội quy lao động do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động; trường hợp không ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận nội dung kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và ghi trong hợp đồng lao động để thực hiện".
Thứ hai: Không cần tổ chức hội nghị người lao động
Khoản 1 Điều 14 Nghị định 60/2013/NĐ-CP quy định doanh nghiệp có từ 10 người lao động trở lên phải tổ chức hội nghị người lao động. Hội nghị này được tổ chức 12 tháng một lần và thảo luận về các nội dung: Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh; Điều kiện làm việc và các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc…
Theo đó, doanh nghiệp có dưới 10 lao động được miễn tổ chức hội nghị người lao động.
Đặc biệt, theo quy định mới tại Nghị định 149/2018/NĐ-CP thì người sử dụng lao động dưới 10 lao động được miễn trừ tổ chức hội nghị người lao động và ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc bằng văn bản.
Thứ ba: Được miễn thủ tục gửi thang, bảng lương
Theo quy định mới tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định 121/2018/NĐ-CP:
“Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.”