Theo quy định pháp luật hiện hành thì trường hợp nào được kê biên quyền sử dụng đất để thi hành án dù chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
Những trường hợp nào được kê biên quyền sử dụng đất để thi hành án dù chưa có giấy chứng nhận QSDĐ?
Căn cứ Điều 111 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về việc kê biên quyền sử dụng đất, khi kê biên quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất phải nộp các giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự.
Việc kê biên quyền sử dụng đất phải lập biên bản ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được kê biên, có chữ ký của những người tham gia kê biên.
Trường hợp kê biên quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án thì kê biên cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp đất của người phải thi hành án có tài sản gắn liền với đất mà tài sản đó thuộc quyền sở hữu của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất và thông báo cho người có tài sản gắn liền với đất.
Và theo Điều 110 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về quyền sử dụng đất được kê biên, bán đấu giá để thi hành án.
Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Do đó, Chấp hành viên chỉ được kê biên quyền sử dụng đất đối với người có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện khác để chuyển quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật
Tuy nhiên, nếu người phải thi hành án dân sự chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó.
Như vậy, nếu người phải thi hành án thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên QSDĐ đó để thi hành án.
Việc tạm quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất đã kê biên để thi hành án được quy định ra sao?
Việc tạm quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất đã kê biên để thi hành án được quy định cụ thể tại Điều 112 Luật Thi hành án dân sự 2008 như sau:
(1) Trường hợp diện tích đất đã kê biên đang do người phải thi hành án quản lý, khai thác, sử dụng thì Chấp hành viên tạm giao diện tích đất đã kê biên cho người đó.
Trường hợp diện tích đất đã kê biên đang do tổ chức hoặc cá nhân khác quản lý, khai thác, sử dụng thì tạm giao cho tổ chức, cá nhân đó.
(2) Trường hợp người phải thi hành án hoặc tổ chức, cá nhân quy định tại mục (1) không nhận thì Chấp hành viên tạm giao diện tích đất đã kê biên cho tổ chức, cá nhân khác quản lý, khai thác, sử dụng.
Trường hợp không có tổ chức, cá nhân nào nhận thì cơ quan thi hành án dân sự tiến hành ngay việc định giá và bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
(3) Việc tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng đất đã kê biên phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ:
- Diện tích, loại đất, vị trí, số thửa đất, số bản đồ;
- Hiện trạng sử dụng đất;
- Thời hạn tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng đất;
- Quyền và nghĩa vụ cụ thể của người được tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng đất.
(4) Trong thời hạn tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng đất đã kê biên, người được tạm giao không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, để thừa kế, thế chấp, hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất; không được sử dụng đất trái mục đích.
Tóm lại, đối với quyền sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận QSDĐ vẫn có thể kê biên để thi hành án nếu người phải thi hành án thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.