Thông tin bảo mật là một trong những nghĩa vụ bắt buộc doanh nghiệp phải quản lý dữ liệu thông tin này một cách an toàn và không được sử dụng vào mục đích bất chính.
Việc làm lộ thông tin của khách hàng, đối tác trong quá trình kinh doanh dù là cố tình hay vô ý thì doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Vậy doanh nghiệp cần phải bảo mật những thông tin nào?
1. Doanh nghiệp phải bảo vệ thông tin khách hàng
Tổ chức, doanh nghiệp có lưu trữ thông tin khách hàng trong hoạt động kinh doanh thì phải có nghĩa vụ bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 có trách nhiệm:
- Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng.
- Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý.
- Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng.
- Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác.
- Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Lưu ý: Ngoại trừ trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sử dụng thông tin của khách hàng thì phải được trích xuất theo quy định pháp luật.
Do đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
2. Bảo mật thông tin của các bên đối tác
Đối tác kinh doanh là những đối tượng nắm giữ nhiều thông tin quan trọng trong hợp đồng và bí mật kinh doanh vì thế, khi hợp tác phải bảo mật những thông tin khi kinh doanh.
(1) Nghĩa vụ bảo mật của bên đại diện
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại diện có các nghĩa vụ thực hiện Điều 145 Luật Thương mại 2005 như sau:
- Thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và vì lợi ích của bên giao đại diện.
- Thông báo cho bên giao đại diện về cơ hội và kết quả thực hiện các hoạt động thương mại đã được uỷ quyền.
- Tuân thủ chỉ dẫn của bên giao đại diện nếu chỉ dẫn đó không vi phạm quy định của pháp luật.
- Không được thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa của mình hoặc của người thứ ba trong phạm vi đại diện.
- Không được tiết lộ hoặc cung cấp cho người khác các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại của bên giao đại diện trong thời gian làm đại diện và trong thời hạn hai năm, kể từ khi chấm dứt hợp đồng đại diện.
- Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hoạt động đại diện.
(2) Nghĩa vụ bảo mật của bên nhận ủy thác
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên nhận uỷ thác có các nghĩa vụ quy định tại Điều 165 Luật Thương mại 2005 như sau:
- Thực hiện mua bán hàng hóa theo thỏa thuận.
- Thông báo cho bên ủy thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác.
- Thực hiện các chỉ dẫn của bên uỷ thác phù hợp với thỏa thuận.
- Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hợp đồng ủy thác.
- Giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác.
- Giao tiền, giao hàng theo đúng thỏa thuận.
- Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên ủy thác, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.
(3) Bảo mật thông tin đấu thầu
Ngoài ra, căn cứ Điều 223 Luật Thương mại 2005 còn quy định các bên đối tác khi tham gia đấu thầu phải bảo mật thông tin về đấu thầu.
- Bên mời thầu phải bảo mật hồ sơ dự thầu.
- Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức đấu thầu và xét chọn thầu phải giữ bí mật thông tin liên quan đến việc đấu thầu.
3. Bảo mật thông tin về hình ảnh
Căn cứ Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh khi được doanh nghiệp sử dụng phải bảo mật thông tin của khách hàng.
Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
4. Bảo mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Doanh nghiệp phải đảm bảo quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:
- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Như vậy, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phải bảo mật thông tin khách hàng, trách nhiệm bảo mật của bên đại diện, trách nhiệm bảo mật của bên nhận ủy thác, trách nhiệm bảo mật thông tin đấu thầu. Ngoài ra, còn phải bảo mật hình ảnh, đời sống riêng tư của khách hàng.