Những thay đổi đáng chú ý của Luật Các tổ chức tín dụng 2024

Chủ đề   RSS   
  • #608747 19/02/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 28222
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 595 lần
    SMod

    Những thay đổi đáng chú ý của Luật Các tổ chức tín dụng 2024

    Tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV vừa qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 với những thay đổi đáng chú ý liên quan đến lĩnh vực ngân hàng như sau.

    (1) Các vấn đề về sở hữu chéo

    Nội dung sửa đổi, bổ sung

    Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi năm 2017)

    Luật Các tổ chức tín dụng 2024

    Người có liên quan

    Không đề cập

    được quy định cụ thể tại Khoản 24 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, cá nhân khác như “Công ty con của công ty con của TCTD” hay “ông bà nội, cháu nội, cô, dì, chú, bác,...”

    Giảm giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông

    - Cá nhân: 5%

    - Tổ chức: 15%

    - 01 cổ đông và người có liên quan: 20%

    - Cá nhân: 5%

    - Tổ chức: 10%

    - 01 cổ đông và người có liên quan: 15%

    Giảm giới hạn cấp tín dụng

    Đối với TCTD phi ngân hàng: 01 khách hàng không được vượt quá 25%, 01 khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50%.

    Đối với TCTD phi ngân hàng: 01 khách hàng không được vượt quá 15%, 01 khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25%.

    Có thể thấy, việc liệt kê cụ thể các trường hợp về người có liên quan đồng thời giảm giới hạn sở hữu cổ phần cũng như giới hạn tín dụng của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 tạo nên những rào cản nhằm giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo và chi phối tổ chức tín dụng như vụ việc của Bầu Kiên 10 năm về trước và đại án Vạn Thịnh Phát thời gian gần đây.

    Xem thêm bài viết liên quan: Sẽ có ít nhất 10 văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng 2024

    (2) Xử lý nợ xấu và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu

    Trước đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 (hiện đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Nghị quyết nêu trên chưa thể hiện được thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý nợ xấu. Vì lẽ đó, tổng dư nợ xấu toàn ngành ngân hàng tính đến cuối năm 2023 là 194.968 tỷ đồng, tăng 40,5% so với đầu năm.

    Vì thế, tại Điều 199 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về việc xử lý nợ xấu và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu như sau:

    - Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được phân chia theo thứ tự ưu tiên: 

    + Chi phí bảo quản tài sản bảo đảm; 

    + Chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm; 

    + Án phí của bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm;

    + Khoản thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ; 

    + Nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ; 

    + Nghĩa vụ khác không có bảo đảm theo quy định của pháp luật. 

    - Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    (3) Hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng

    Theo ghi nhận, trong giai đoạn từ 2018 đến 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại. Thu nhập này xuất phát từ việc nhiều nhân viên tổ chức tín dụng tư vấn không đầy đủ dẫn đến xảy ra tình trạng nhiều khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng. 

    Chính vì thế, tại Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

    “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.”

    Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 113 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng có quy định như sau:

    “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.”

    (4) Can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém

    Tại Khoản 3 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về việc can thiệp sớm như sau:

    Can thiệp sớm là việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng các yêu cầu, biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó thực hiện phương án khắc phục dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước nhằm khắc phục tình trạng theo quy định.

    Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 156 Luật Các tổ chức tín dụng quy định về việc thực hiện can thiệp sớm như sau:

    - Trường hợp áp dụng: 

    + Lỗ lũy kế vượt quá 15% vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ, đồng thời vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. 

    + Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. 

    + Vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả liên tục trong 30 ngày. 

    + Vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu liên tục trong 6 tháng.

    + Bị rút tiền hàng loạt và báo cáo với Ngân hàng Nhà nước.

    - Yêu cầu của NHNN:

    + Gửi văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các biện pháp hạn chế, bao gồm: Hạn chế hoạt động kinh doanh; Hạn chế giao dịch với tổ chức, cá nhân; Hạn chế sử dụng vốn; Hạn chế chi trả cổ tức, lợi nhuận. 

    + Yêu cầu cập nhật hoặc xây dựng phương án khắc phục tình trạng vi phạm, đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định. 

    + Xác định thời hạn hoàn thành phương án khắc phục.

    - Trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 

    + Thực hiện ngay các yêu cầu, biện pháp hạn chế của Ngân hàng Nhà nước. 

    + Trường hợp nếu không thực hiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng thêm biện pháp hạn chế theo quy định tại Khoản 2 Điều 157 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

    - Kiểm toán báo cáo tài chính: Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuê tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính, đánh giá thực trạng tài chính để làm cơ sở xây dựng phương án khắc phục.

    Như vậy, trên đây là những điểm mới đáng chú ý trong Luật Các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 tới đây.

    Xem thêm bài viết liên quan: Sẽ có ít nhất 10 văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng 2024

     
    3291 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn phucpham2205 vì bài viết hữu ích
    admin (19/02/2024) danusa (19/02/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận