Theo Nghị định 71 xe “không chính chủ” sẽ bị phạt từ 0.8 – 1.2 triệu đồng đối với chủ xe mô tô, 6 – 10 triệu đồng đối với ô tô.
Đồng thời tại Thông tư 11 của Bộ Công an có hướng dẫn cụ thể: Xe đang lưu thông trên đường, không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “không chính chủ”. Chỉ xử phạt khi thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự nếu phát hiện phương tiện là “không chính chủ”.
Quy định trên là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, vừa qua tại Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nhiều ý kiến đề xuất bỏ xử phạt xe “không chính chủ”.
Thật khó lý giải tại sao có đề xuất bỏ xử phạt xe “không chính chủ”, nhưng nếu đề xuất này được chấp nhận sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Một là, Ngân sách thất thu: một khi dung túng cho xe “không chính chủ” thì các giao dịch mua bán, tặng cho… không thực hiện chuyển quyền sở hữu theo quy định nhằm né tránh nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước sẽ tăng cao.
Hai là, Phát sinh nhiều tranh chấp dân sự: khi giao dịch thực tế được thực hiện (trao xe – nhận tiền đã hoàn tất) nhưng các bên không thực hiện chuyển quyền sở hữu theo quy định pháp luật sẽ rất dễ dẫn đến các tranh chấp dân sự nếu một bên có các hành vi
“lật lọng”, không thiện chí trong giao dịch.
Ba là, Khó khăn trong việc xác định thủ phạm gây tai nạn: cơ quan công an rất khó khăn trong việc tìm ra người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn vì phương tiện đã qua rất nhiều đời chủ.
Bốn là, Tội phạm gia tăng: một khi dung túng cho xe “không chính chủ” thì tội phạm sẽ dùng những phương tiện đã qua nhiều đời chủ để thực hiện hành vi phạm tội, trong trường hợp cần thiết chúng sẵn sàng bỏ lại phương tiện để chạy trốn mà không lo lắng sẽ bị truy ra thông tin.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 26/07/2013 09:58:12 SA