Hiện nay, khi công nghệ kỹ thuật ngày càng phát triển thì việc có rất nhiều thứ bị làm nhái, làm giả trên thị trường là hoàn toàn dễ hiểu. Các đối tượng đã biết tận dụng sự hiện đại của công nghệ để tạo ra, lưu hành tiền giả gây rối loạn thị trường và nền kinh tế. Do vậy, không chỉ hành vi làm tiền giả mà hành vi lưu trữ, lưu thông tiền giả cũng cần ngăn chặn triệt để.
Mấy ngày gần đây dư luận đang xôn xao vụ việc ngày 25/5 vừa cặp đôi thản nhiên mang 87 tờ tiền mệnh giá 200 nghìn đồng đến gửi vào tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng Sacombank. Nhân sự việc này, chúng ta cùng nghiên cứu quy định của pháp luật như thế nào về việc lưu hành, sử dụng tiền giả nhé!
Đầu tiên là khái niệm như thế nào được coi là tiền giả?
Điều 3 Thông tư 28/2013/TT-NHNN quy định như sau:
- Tiền giả: là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc, phát hành.
- Tiền giả loại mới là loại tiền giả chưa được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản.
- Tiền nghi giả là tiền chưa kết luận được là tiền thật hay tiền giả.
Khi phát hiện trong giao dịch xuất hiện tiền giả, tiền nghi giả phải làm gì?
Thu giữ tiền giả:
Trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi giả, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối chiếu với đặc điểm bảo an của tiền mẫu (hoặc tiền thật) cùng loại, thông báo về đặc điểm nhận biết tiền giả của Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) và xử lý như sau:
- Trường hợp khẳng định là loại tiền giả đã được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản, phải lập biên bản, thu giữ, đóng dấu và bấm lỗ tiền giả. Việc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư này.
- Trường hợp xác định là tiền giả loại mới, phải lập biên bản và thu giữ nhưng không đóng dấu, bấm lỗ tiền giả.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày thu giữ tiền giả loại mới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch phải thông báo bằng văn bản cho Cục Phát hành và Kho quỹ; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở Giao dịch.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý khi phát hiện một trong các trường hợp sau:
- Có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.
- Tiền giả loại mới.
- Có 5 tờ tiền giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả) hoặc nhiều hơn trong một giao dịch.
- Khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả.
Trong quá trình kiểm đếm, phân loại, tuyển chọn tiền sau khi giao nhận tiền mặt theo bó, túi nguyên niêm phong trong ngành ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khi phát hiện tiền giả, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xử lý như đối với tiền giả phát hiện trong giao dịch tiền mặt đối với ngân hàng Việt Nam.
Tạm thu giữ tiền nghi giả:
- Trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lập biên bản (theo Phụ lục số 2) và tạm thu giữ tiền nghi giả.
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tạm thu giữ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải chuyển tiền nghi giả, đề nghị giám định (theo Phụ lục số 4) và bản sao biên bản tạm thu giữ tiền nghi giả đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở giao dịch để giám định.
Tiền giả sau khi bị thu giữ sẽ bị xử lý như thế nào?
Tiền giả sẽ bị đóng dấu và bấm lỗ tiền giả
- Dấu tiền giả hình chữ nhật; kích thước: 60mm x 20mm; phần tên đơn vị: 60mm x 7mm, phần chữ “TIỀN GIẢ”: 60mm x 13mm. Dấu tiền giả sử dụng mực màu đỏ, khó phai.
- Cách thức đóng dấu, bấm lỗ tiền giả:
Đóng dấu “tiền giả” lên 2 mặt của tờ tiền giả, mỗi mặt đóng một lần và bấm 4 lỗ trên tờ tiền giả (mỗi cạnh chiều dài tờ tiền giả bấm 2 lỗ tròn cân đối bằng dụng cụ bấm lỗ tài liệu dùng cho văn phòng).
Tiền giả sau khi được xử lý sẽ bị đóng gói và niêm phong.
Tội phạm liên quan đến tiền giả bị xử lý như thế nào?
Theo Điều 180 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định:
“Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt từ 5 năm đến 12 năm. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, mặc dù Bộ luật Hình sự 2015 đang lùi ngày có hiệu lực nhưng chúng ta cũng có thể thấy trên tinh thần rằng các nhà làm luật đã dự liệu thêm đối với trường hợp "chuẩn bị phạm tội" nhằm ngăn chặn một cách triệt để nhất có thể loại tội phạm này.
Một vài thông tin đến các bạn!
Cập nhật bởi thuytrang95 ngày 27/05/2017 08:21:43 CH