Văn bản pháp luật mang tính bắt buộc mọi người phải thực hiện, bởi vậy một khi xuất hiện sai sót sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Có thể nói trong năm 2013 đánh máy là ngành nghề nguy hiểm nhất khi hàng loạt văn bản pháp luật bị lỗi đánh máy. Sau đây là một vài ví dụ để minh chứng điều đó:
1. Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính
Khoản 2 điều 10 bị lỗi đánh máy:
“2. Trong trường hợp quyết định xử phạt chỉ áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không cư trú, tổ chức bị xử phạt không đóng trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm thì theo đề nghị của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt quyết định nộp tiền phạt theo hình thức nộp phạt quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này và gửi quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.”
Đúng là: "… quy định tại Điểm b khoản 1 Điều này …".
2. Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Đã xảy ra hàng loạt lỗi đánh máy:
- Khoản 2 điều 3: “2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương VI của Nghị định này là thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức bằng 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.”
Đúng là: "…quy định tại Chương V của …".
- Điều 4: “Điều 4. Vi phạm quy định về dịch vụ việc làm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với tổ chức dịch vụ việc làm có hành vi thu phí dịch vụ việc làm vượt quá mức quy định theo một trong các mức sau đây:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về vị trí việc làm;
b) Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hết hạn.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trả lại cho người lao động khoản phí dịch vụ việc làm đã thu của người lao động cao hơn mức quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại phí dịch vụ việc làm đã thu của người lao động vào ngân sách nhà nước đối với vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.”
Đúng là: “Điều 4. Vi phạm quy định về dịch vụ việc làm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với tổ chức dịch vụ việc làm có hành vi thu phí dịch vụ việc làm vượt quá mức quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức dịch vụ việc làm có hành vi thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về vị trí việc làm.
3. Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hết hạn.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trả lại cho người lao động khoản phí dịch vụ việc làm đã thu của người lao động cao hơn mức quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại phí dịch vụ việc làm đã thu của người lao động vào ngân sách nhà nước đối với vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này."
Điểm d Khoản 5 Điều 17: "d) Từ 02 đến 03 lần tổng giá trị phí kiểm định máy, thiết bị vật tư vi phạm.".
Đúng là: “d) Từ 02 đến 03 lần tổng giá trị phí kiểm định máy, thiết bị, vật tư vi phạm đối với hành vi không kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không kiểm định định kỳ theo quy định tại Khoản 1 Điều 147 của Bộ luật lao động".
3. Nghị định 153/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân
Khoản 2 điều 2 bị lỗi đánh máy:
“2. Các trường hợp đã chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các ngành được tính thâm niên nghề theo quy định, sau đó nghỉ hưu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì cách tính lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 3 Điều 1 Nghị định này.”
Đúng là: "…Điểm b, Điểm c Khoản 4 Điều 1…".
4. Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
Điều 24 Nghị định quy định: “Sẽ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 nghìn đồng nếu người chưa đủ 18 tuổi hút thuốc lá”.
Tuy nhiên, nhiều khả năng điều này bị lỗi "đánh máy", bởi tiêu đề điều 24 là “Vi phạm quy định về bán thuốc lá” nhưng khoản 1 điều này lại xử phạt hành vi “sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi”.
Theo Logic bình thường thì khoản 1 điều 24 phải là: "1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.".
Song đến nay, vẫn chưa có văn bản nào đính chính điều này.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 14/03/2014 09:50:34 SA