Quyền định đoạt là một quyền thiêng liêng của chủ sở hữu đối với tài sản của mình đồng thời cũng thể hiện quyền tự do của mỗi cá nhân và thừa kế là một cách mà chủ sở hữu định đoạt tài sản của mình. Trước khi chết, người có tài sản được quyền định đoạt tài sản của mình trong di chúc cho ai theo ý chí của họ, tuy nhiên không hoàn toàn tự do trong việc định đoạt và một trong những giới hạn đó chính là chế định “người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc”. Vậy đó là những người nào?
Theo Bộ luật Dân sự hiện hành, những chủ thể được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, cụ thể là hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, đó là “con chưa thành niên, cha, mẹ vợ chồng” và “ con đã thành niên mà không có khả năng lao động”. Cụ thể:
Con chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, pháp luật không nhắc tới thời điểm xác định tuổi của người chưa thành niên là thời điểm lập di chúc, thời điểm mở thừa kế hay thời điểm chia di sản. Theo quan điểm của người viết thì nên xác định tuổi của người chưa thành niên vào thời điểm mở thừa kế vì đây là thời điểm di chúc có hiệu lực và khả năng chia di sản mới có thể được tiến hành.
Cha, mẹ được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Trong quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 chỉ quy định chung là cha, mẹ không nói cụ thể là cha, mẹ ruột, cha, mẹ nuôi hay cha, mẹ vợ (chồng). Tuy nhiên, tại một quy định khác về hàng thừa kế thứ nhất thì cha, mẹ được quy định rõ là cha, mẹ ruột và cha, mẹ nuôi. Vì vậy, chúng ta có suy luận cha, mẹ ở đây là cha, mẹ ruột và cha, mẹ nuôi (không bao gồm cha, mẹ vợ (chồng)).
Vợ, chồng là những người có quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận và bảo vệ. Những người chung sống như vợ chồng chỉ thiết lập mối quan hệ tài sản mà không có quan hệ vợ chồng với nhau và không được hưởng thừa kế trong trường hợp này.
Con đã thành niên mà không có khả năng lao động là người không có khả năng lao động từ nhỏ hoặc những người bị mất khả năng lao động do tai nạn. Bộ luật Dân sự cũng không nêu rõ những trường hợp nào thì được coi là mất khả năng dân sự. Tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có liệt kê một số trường hợp được coi là mất khả năng lao động đó là những trường hợp sau khi điều trị, bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên. Ngoài ra, trên thực tế, một số Tòa án còn coi người đến tuổi nghỉ hưu cũng thuộc trường hợp này.
Ngoài ra, Bộ luật Dân sự cũng quy định một số trường hợp thuộc những đối tượng trên nhưng không được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (khoản 2 Điều 644).
Trên đây, là những trường hợp mà pháp luật cho phép được hưởng di sản thừa kế mà không bị phụ thuộc vào nội dung của di chúc.