Hút thuốc lá nơi công cộng là đề tài chẳng mới mẻ gì để tranh luận, bàn tán. Tuy nhiên, trước thực trạng có Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, có văn bản hướng dẫn cách thức áp dụng, xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng mà tình hình thực tế chẳng những không khả quan, ngược lại, số lượng người hút thuốc, đối tượng hút, nhập viện vì thuốc cứ tăng vùn vụt, diện tích môi trường không khói thuốc ngày một thu hẹp, không gian chung của cộng đồng ngày càng bị xâm chiếm bởi những cái phì phèo “VÔ Ý THỨC” không thuốc nào chữa nổi ….mình quyết định sẽ “đào mộ” lại vấn đề này lần nữa để chúng ta cùng chia sẻ quan điểm.
Việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng được quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể như sau:
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
b) Bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.
Theo mình thấy thì quy định xử phạt trên đây đã khá rõ ràng , tuy nhiên, nếu so với thực trạng hút thuốc tràn lan khắp nơi như hiện nay thì hình như chế tài như thế này còn quá nhẹ. Chỉ đơn thuần là cảnh cáo hoặc có phạt tiền thì tối đa cũng chỉ 300.000 đồng mà chủ yếu trên thực tế là phạt cảnh cáo thì chẳng thể nào đủ sức tác động tới nhận thức của người vi phạm được. Quy định ban hành chỉ mang tính chất tuyên truyền, giáo dục thì chẳng bao giờ đáp ứng được yêu cầu răn đe và xử lý triệt để hành vi được.
Bên cạnh đó, số cơ quan có thẩm quyền xử phạt cũng không phải là ít, bao gồm: các cơ quan thanh tra liên ngành về y tế từ trung ương tới địa phương; các cơ quan quản lý thị trường; cơ quan công an và UBND các cấp. Tuy nhiên, trong số những cơ quan này, chẳng biết cơ quan nào có chức năng chuyên trách, chịu trách nhiệm chính trong quá trình xử phạt. Quyền thực hiện chế tài xử phạt chỉ mang tính chất mù mờ, cũng chẳng xác định được trách nhiệm của người vi phạm.
Trong khi đó, ở những nơi tình trạng hút thuốc xảy ra thường xuyên, phổ biến như trường học, bệnh viện, các nhà ga, bến tàu, xe hay thậm chí trên cả xe buýt… thì bộ phận quản lý của những địa điểm này lại chẳng được pháp luật trao cho quyền xử phạt hành vi hút thuốc lá. Thấy hành vi trái pháp luật đó, nhưng không có quyền xử phạt thì cũng chẳng ích gì, có chăng cũng chỉ nhắc nhở rồi lại lắc đầu, nhắm mắt cho qua chuyện. Rồi thì chưa kể người vi phạm, ngay cả cán bộ, công chức cơ quan nhà nước cũng vi phạm, ở nơi công cộng cũng phì phèo điếu thuốc như ai thì bó tay rồi.
Thiết nghĩ, đối với mức phạt như trên, cần mạnh tay hơn nữa trong việc quy định chế tài, nâng mức phạt lên cả triệu đồng mỗi lần bị phát hiện, coi mất tiền vài lần, xót của, người ta còn dám vi phạm không. Thứ hai, đối với cơ quan có thẩm quyền xử phạt, nên xác định rõ đâu là cơ quan chuyên trách để có kế hoạch xử phạt nghiêm túc chứ không mù mờ như hiện nay. Nên trao quyền xử phạt cho các cơ quan như bệnh viện, trường học,…vì họ dễ dàng tiếp cận với người vi phạm hơn cả cơ quan có thẩm quyền hiện nay.
Thứ ba, nên ngăn chăn ngay từ khâu đầu tiên thuốc lá xâm nhập thị trường. Một số phân tích hiện nay cho thấy lợi nhuận từ ngành công nghiệp thuốc lá không bù nổi cho chi phí y tế chữa trị các bệnh về hô hấp, tim mạch, ung thư phổi… gây ra bởi thuốc lá. Rõ ràng, mất mát của xã hội lớn hơn rất nhiều lần so với thu nhập từ kinh doanh thuốc lá. Vậy sao chúng ta không đề ra lộ trình để cấm hẳn việc tiêu thụ thuốc lá trên toàn lãnh thổ.
Còn các bạn, các bạn nghĩ sao?
Everything happens for a reason...