Những điều cần biết về Hiệp định thương mại

Chủ đề   RSS   
  • #407121 19/11/2015

    Những điều cần biết về Hiệp định thương mại

     

    Thương trường và Nghị trường (Kinh tế - Chính trị) là mối quan hệ khăng khít khó rời, có thể nói là ảnh hưởng trực tiếp đến nhau. Thế giới phẳng ngày nay đã đưa ra nhiều yêu cầu hơn cho các nhà làm luật lẫn các thương nhân, vì vậy xu hướng ra đời của các Hiệp định thương mại song phương, đa phương là tất yếu. Trong bài viết này mình sẽ tổng hợp thật bao quát và hệ thống các kiến thức quan trọng

     

    WTO - Tổ chức Thương mại Thế giới 

    (World Trade Organization)

    1. Giới thiệu

    WTO là gì?

    WTO có tên đầy đủ là Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization). Tổ chức này được thành lập và hoạt động từ 01/01/1995 với mục tiêu thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch.

    Tổ chức này kế thừa và phát triển các quy định và thực tiễn thực thi Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan - GATT 1947 (chỉ giới hạn ở thương mại hàng hoá) và là kết quả trực tiếp của Vòng đàm phán Uruguay (bao trùm các lĩnh vực thương mại hàng hoá, dịch vụ, sở hữu trí tuệ và đầu tư). 

    Nhiệm vụ của WTO

    WTO được thành lập với 04 nhiệm vụ chủ yếu:

    •    Thúc đẩy việc thực hiện các Hiệp định và cam kết đã đạt được trong khuôn khổ WTO (và cả những cam kết trong tương lai, nếu có);

    •    Tạo diễn đàn để các thành viên tiếp tục đàm phán, ký kết những Hiệp định, cam kết mới về tự do hoá và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại;

    •    Giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh giữa các thành viên WTO; và

    •    Rà soát định kỳ các chính sách thương mại của các thành viên.

    Quá trình thông qua quyết định trong WTO

    Về cơ bản, các quyết định trong WTO được thông qua bằng cơ chế đồng thuận. Có nghĩa là chỉ khi không một nước nào bỏ phiếu chống thì một quyết định hay quy định mới được xem là “được thông qua”.

    Do đó hầu hết các quy định, nguyên tắc hay luật lệ trong WTO đều là “hợp đồng” giữa các thành viên, tức là họ tự nguyện chấp thuận chứ không phải bị áp đặt; và WTO không phải là một thiết chế đứng trên các quốc gia thành viên.

    Tuy nhiên, trong các trường hợp sau quyết định của WTO được thông qua theo các cơ chế bỏ phiếu đặc biệt (không áp dụng nguyên tắc đồng thuận):

    •    Giải thích các điều khoản của các Hiệp định: Được thông qua nếu có 3/4 số phiếu ủng hộ;

    •    Dừng tạm thời nghĩa vụ WTO cho một thành viên: Được thông qua nếu có 3/4 số phiếuủng hộ;

    •    Sửa đổi các Hiệp định (trừ việc sửa đổi các điều khoản về quy chế tối huệ quốc trong GATT, GATS và TRIPS): Được thông qua nếu có 2/3 số phiếu ủng hộ.

    Cập nhật bởi tamnt133 ngày 19/11/2015 11:20:38 SA
     
    14681 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn tamnt133 vì bài viết hữu ích
    hungmaiusa (19/11/2015)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #407124   19/11/2015

    2. Tóm tắt 10 lợi ích của hệ thống thương mại WTO

    • Hệ thống này giúp gìn giữ hoà bình

    Hệ thống GATT/WTO là một chủ thể kiến tạo niềm tin quan trọng. Các cuộc chiến tranh thương mại những năm 1930 là bằng chứng cho thấy rằng chủ nghĩa bảo hộ có thể dễ dàng đẩy các nước vào một tình thế trong đó không có kể thắng mà chỉ toàn người thua. Quan điểm bảo hộ thiển cận cho rằng việc bảo vệ một số khu vực nhất định chống lại hàng nhập khẩu là rất có lợi. Những quan điểm này lại lờ đi chuyện các nước khác sẽ phản ứng như thế nào. Thực tế dài hạn hơn cho thấy rằng một bước bảo hộ của một quốc gia có thể dễ dàng dẫn đến hành động trả đũa từ các quốc gia khác, dẫn đến mất mát niềm tin vào thương mại từ do hơn và làm cho tất cả, bao gồm cả các khu vực được bảo hộ ngay từ đầu – sa lầy vào rắc rối kinh tế nghiêm trọng.

    Niềm tin là chìa khoá giúp tránh được viễn cảnh không có kẻ thắng ấy. Khi các chính phủ đều tin tưởng rằng các nước khác sẽ không tăng cường các hàng rào mậu dịch thì chính họ cũng sẽ không có ý định làm như vậy. Hệ thống thương mại WTO đóng vai trò sống còn trong việc tạo ra và củng cố niềm tin đó. Đặc biệt quan trọng là những cuộc thương lượng đưa đến những thoả thuận trên cơ sở nhất trí ý kiến và tập trung vào việc tuân thủ các nguyên tắc.

    • Giải quyết các mâu thuẫn thương mại một cách xây dựng

    Do thương mại tăng lên về khối lượng, số lượng sản phẩm được trao đổi, và số lượng các nước và công ty tham gia thương mại, nên có thêm nhiều cơ hội để những tranh chấp thương mại nảy sinh. Hệ thống WTO giúp giải quyết các tranh chấp này một cách hoà bình và mang tính xây dựng.

    • Một hệ thống dựa trên những nguyên tắc chứ không phải là sức mạnh để làm cho cuộc sống dễ dàng hơn với tất cả mọi người

    WTO không thể tuyên bố sẽ làm cho tất cả các nước đều bình đẳng. Nhưng WTO thực sự làm giảm bớt một số bất bình đẳng, giúp các nước nhỏ hơn có nhiều tiếng nói hơn. Đồng thời cũng giải thoát cho các nước lớn khỏi sự phức tạp trong việc thoả thuận các hiệp định thương mại với các đối tác của mình.

    • Thương mại tự do hơn giúp giảm chi phí cuộc sống

    Hệ thống toàn cầu WTO đã giảm bớt các hàng rào mậu dịch thông qua thương lượng và áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử. Kết quả là chi phí sản xuất giảm, giá hàng hoá thành phẩm và dịch vụ giảm và cuối cùng là chi phí cuộc sống thấp hơn.

    Cho đến nay, các hàng rào mậu dịch đã giảm đi rất nhiều so với trước đây. Các hàng rào này còn tiếp tục được giảm và tất cả chúng ta đều có lợi.

    • Đem đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn, và phạm vi chất lượng rộng hơn để lựa chọn

    Nhập khẩu cho phép chúng ta có nhiều lựa chọn hơn – cả hàng hoá và dịch vụ lẫn phạm vi chất lượng. Thậm chí chất lượng của hàng sản xuất nội địa có thể nâng lên do chính sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Nhiều lựa chọn hơn không đơn giản là vấn đề người tiêu dùng mua hàng thành phẩm của nước ngoài. Hàng nhập khẩu còn được sử dụng làm nguyên liệu, linh kiện và thiết bị cho sản xuất trong nước.

    • Thương mại làm tăng thu nhập

    Giảm bớt hàng rào thương mại cho phép thương mại tăng trưởng, điều này làm tăng thu nhập – cả thu nhập quốc dân và thu nhập cá nhân.

    Dự tính của WTO về tác động của các thoả thuận thương mại tại vòng đàm phán Uruguay 1994 là thu nhập của thế giới có thêm từ 109 tỷ USD đến 510 tỷ USD.

    • Thương mại kích thích tăng trưởng kinh tế và đó có thể là tin tốt lành cho vấn đề việc làm

    Trên thực tế đã có bằng chứng căn cứ trên sự việc cho thấy rằng việc giảm các rào cản thương mại là điều kiện tốt cho công ăn việc làm. Nhưng bức tranh này rất phức tạp do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, bảo hộ cũng không phải là cách để giải quyết các vấn đề việc làm.

    Có ít nhất hai luận điểm được chỉ ra về vấn đề này. Thứ nhất, sẽ có những nhân tố khác xuất hiện. Chẳng hạn, tiến bộ công nghệ cũng có tác động mạnh đến việc làm và năng suất lao động, làm lợi cho một số loại công việc song lại làm tổn thương một số khác. Thứ hai, trong khi thương mại rõ ràng là làm tăng thu nhập quốc dân (và sự thịnh vượng), điều này không phải luôn đựơc hiểu là tạo ra công ăn việc làm mới cho những người bị mất việc do sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu.

    • Các nguyên tắc cơ bản làm cho hệ thống có hiệu quả hơn, và giảm bớt chi phí

    Không phân biệt đối xử chỉ là một trong những nguyên tắc của hệ thống thương mại WTO. Những nguyên tắc khác gồm có:

    * Minh bạch. Thông tin rõ rằng về các chính sách, nguyên tắc và quy định.

    * Tin chắc vào các điều kiện thương mại. Những cam kết cắt giảm các hàng rào thương mại và làm tăng khả năng tiếp cận các thị trường của một số nước cho các nước khác có sự ràng buộc pháp lý.

    * Đơn giản hoá và chuẩn hoá các thủ tục hải quan, xoá bỏ tình trạng quan liêu, tập trung hoá cơ sở dữ liệu thông tin và các biện pháp khác được thiết lập nhằm đơn giản hoá thương mại theo phương châm ‘kích thích thương mại’.

    Tất cả những nguyên tắc này làm cho thương mại đơn giản hơn, giảm bớt phí tổn cho các công ty, tăng niềm tin vào tương lai. Đổi lại, điều đó cũng có nghĩa là có nhiều việc làm hơn, người tiêu dùng có hàng hoá và dịch vụ tốt hơn.

    • Hệ thống này bảo vệ các chính phủ khỏi những quyền lợi hẹp hòi

    Hệ thống GATT/WTO bao trùm một phạm vi rất rộng. Vì vậy, nếu trong một cuộc thương lượng thương mại GATT/WTO có một nhóm áp lực vận động chính phủ của mình phải coi nhóm là một trường hợp đặc biệt cần được bảo hộ thì chính phủ có thể chống lại sức ép bảo hộ bằng cách lập luận rằng chính phủ cần phải có một thoả thuận trên phạm vi rộng để bảo đảm rằng mọi khu vực trong nền kinh tế đều có lợi.

    • Hệ thống khuyến khích chính phủ hoạt động tốt

    Theo các nguyên tắc của WTO, khi đã có cam kết tự do hoá một khu vực thương mại nào đó, thì khó có thể đảo ngược được. Các nguyên tắc cũng không khuyến khích những chính sách thiếu thận trọng. Đối với giới kinh doanh, điều này có nghĩa là độ chắc chắn cao hơn và rõ ràng hơn về các điều kiện thương mại. Đối với các chính phủ, điều này thường đồng nghĩa với kỷ luật tốt.

    Nhiều lĩnh vực khác của các hiệp định WTO cũng có thể giúp giảm bớt tệ tham nhũng và chính phủ xấu xa. Sự minh bạch, các tiêu chí rõ ràng hơn về các quy định đối với sự an toàn và chuẩn mực của sản phẩm, và sự không phân biệt đối xử cũng giúp giảm bớt tình trạng gian dối và việc ra quyết định mang tính độc đoán.

    Thực sự các chính phủ đã dùng WTO như là một sức ép bên ngoài đáng được hoan nghênh đối với các chính sách của họ.

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn tamnt133 vì bài viết hữu ích
    hungmaiusa (19/11/2015)
  • #407125   19/11/2015

    3. 10 điều bị hiểu sai về WTO

    WTO áp đặt các chính sách

    Không đúng vì: WTO không vạch đường chỉ lối cho các nước thành viên trong việc thực hiện các chính sách thương mại. Ngược lại, nó là một tổ chức chịu sự điều hành của các nước thành viên.

    WTO vì mục đích thương mại tự do với bất cứ giá nào

    Không đúng vì: Một trong các nguyên tắc của hệ thống thương mại WTO là nhằm khuyến khích các nước thành viên hạ thấp rào cản thương mại và tạo điều kiện cho giao dịch thương mại được thực hiện tự do hơn. Xét cho cùng thì chính các nước thành viên có lợi từ việc giao dịch thương mại tăng lên do rào cản thương mại được hạ thấp.

    Tuy nhiên việc hạ thấp các rào cản thương mại đến mức nào là do các nước thành viên thương lượng. Quan điểm đàm phán của họ phụ thuộc vào việc họ sẵn sàng hạ thấp rào cản thương mại đến mức nào và những gì mà họ muốn thương lượng cũng như dựa trên tiêu chí hai bên đều có lợi.

    WTO chỉ quan tâm đến lợi ích thương mại. Lợi ích thương mại quan trọng hơn sự phát triển

    Không đúng vì: Trước khi phải thực hiện một số điều khoản của một hiệp định cụ thể, các nước đang phát triển được dành nhiều thời gian hơn . Các nước kém phát triển nhất được hưởng sự đối xử đặc biệt, kể cả việc miễn thực hiện nhiều điều khoản trong các hiệp định.

    Các yêu cầu phát triển còn có thể được sử dụng để biện minh cho một số hành động mà bình thường nó có thể không được phép áp dụng theo các quy định trong hiệp định chẳng hạn như hành động trợ cấp.

    Coi trọng lợi ích thương mại hơn môi trường

    Không đúng vì: Rất nhiều quy định của WTO đặc biệt chú trọng đến vấn đề môi trường.

    Coi trọng lợi ích thương mại hơn sức khoẻ và sự an toàn

    Không đúng vì: WTO không tự nó đặt ra những tiêu chuẩn này. Trong một số trường hợp, các hiệp định quốc tế khác được ghi nhận trong các hiệp định của WTO. Thí dụ: Sự thống nhất tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm ghi nhận trong Codex Alimentarius theo tiêu chuẩn được khuyến nghị bởi Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng không có sự bắt buộc phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế chẳng hạn như tiêu chuẩn được ghi nhận trong Codex Alimentarius. Mỗi nước có quyền tự do đặt ra hệ thống tiêu chuẩn riêng của mình miễn là chúng không trái với nguyên tắc chung cũng như không mang tính chất phân biệt đối xử.

    WTO làm mất việc làm và tăng sự nghèo đói

    Không đúng vì: Sự quy kết này là không đúng và thái quá. Thương mại có thể là một động lực mạnh mẽ tạo ra việc làm và giảm đói nghèo. Đôi khi phải có sự điều chỉnh cần thiết để giải quyết nguy cơ mất việc làm. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào việc bảo hộ cũng không được xem là một giải pháp.

    Mối quan hệ giữa thương mại và sự phát triển là phức tạp. Thương mại tự do và ổn định thúc đẩy phát triển kinh tế. Nó có tiềm năng tạo ra việc làm và cũng giúp cho việc xoá đói giảm nghèo và thường là cả hai. Bên được lợi nhiều nhất là nước hạ thấp rào cản thương mại.

    Các nước nhỏ không có tiếng nói trong WTO

    Không đúng vì: Trong hệ thống thương mại WTO, tất cả các nước (dù là nước phát triển hay nước đang phát triển) đều phải tuân theo một quy luật chung. Trong quá trình giải quyết tranh chấp của WTO, nhiều nước đang phát triển đã thành công trong việc không thừa nhận các biện pháp của các nước phát triển. Không có WTO, những nước này hẳn đã không có đủ khả năng để chống lại các nước có nền kinh tế mạnh hơn.

    WTO là công cụ của sự vận động hành lang

    Không đúng vì: Đây chỉ là kết quả của kiểu đàm phán “vòng tròn” (đàm phán với nhiều thành phần khác nhau) vì khi đó các lợi ích khác nhau được cân đối. Mỗi nước thành viên của WTO sẽ dễ dàng hơn trong việc loại bỏ áp lực từ các nhóm vận động riêng biệt với lý do nó phải kết hợp các lợi ích của đất nước.

    Các nước yếu hơn bị buộc phải gia nhập WTO

    Không đúng vì: Các nước có thể quyết định không gia nhập WTO mà đàm phán hiệp định thương mại song phương với nước khác. Để đạt được điều này, các nước đàm phán riêng lẻ đó có thể cần phải có tiềm lực kinh tế . Đó là một vấn đề không hề đơn giản đối với các nước nhỏ. Trong đàm phán song phương nước nhỏ hơn thì yếu thế hơn.

    WTO không dân chủ

    Sẽ là không đúng nếu nói rằng tất cả các nước có năng lực và thế thương lượng như nhau. Tuy thế, nguyên tắc đồng thuận có nghĩa là tất cả các nước đều có tiếng nói của mình và tất cả các nước đều phải được thuyết phục trước khi đồng ý.

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn tamnt133 vì bài viết hữu ích
    hungmaiusa (19/11/2015)
  • #407128   19/11/2015

    FTA - Hiệp định thương mại tự do

    (Free Trade Agreement)

     

    1. Giới thiệu

    Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một Hiệp ước thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Theo đó, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới có hơn 200 Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Các Hiệp định thương mại tự do có thể được thực hiện giữa hai nước riêng lẻ hoặc có thể đạt được giữa một khối thương mại và một quốc gia 

     

    2. Quá trình phát triển

    Số lượng các Hiệp định thương mại tự do đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Từ năm 1948 đến 1994,Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), tiền thân của WTO, đã nhận được 124 thư thông báo. Kể từ năm 1995 trên 300 hiệp định thương mại đã được ban hành.

    Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), số hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết giữa các quốc giachâu Á đã tăng từ 3 hiệp định năm 2000 lên 56 hiệp định vào cuối tháng 8 năm 2009. Mười chín trong tổng số 56 hiệp định thương mại tự do đó được ký giữa 16 nền kinh tế châu Á, một xu hướng có thể giúp cho khu vực này trở thành khối mậu dịch hùng mạnh.

     

    3. Tác động của các FTA trên cục diện thế giới

    Cục diện thế giới trong những năm tới sẽ có nhiều chuyển biến nhanh và khó lường. Điều đó sẽ mở ra những cơ hội  nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức lớn đối với nước ta khi tham gia các FTA sâu rộng hơn. Toàn cầu hóa và quốc tế hóa sẽ tiếp tục tiến triển nhưng sẽ có những điều chỉnh theo các tâm trục và lĩnh vực khác nhau. Châu á –Thái bình dương được đánh giá và dự báo sẽ là khu vực năng động nhất. Các nước lớn vừa hợp tác vừa kiềm chế lẫn nhau, cạnh tranh gay gắt hơn ở khu vực “ngoại vi”, nhất là các địa bàn chiến lược, giàu tài nguyên; các nền kinh tế mới nổi (BRICS) sẽ ngày càng có vai trò cao hơn trong tăng trưởng kinh tế thế giới. Ngay trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, các nước đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Cấu trúc của nền kinh tế và thương mại thế giới đã và sẽ tiếp tục biến đổi khác trước, sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu đang làm cho quan hệ trao đổi thương mại quốc tế khác đi. Tương quan sức mạnh của các nền kinh tế và cục diện phát triển toàn cầu thay đổi nhanh với sự xuất hiện của những liên kết mới, độ rủi ro và tính bất định của nền kinh tế thế giới còn rất lớn.

    Trong ngắn hạn, quy mô các hoạt động kinh tế toàn cầu có thể bị giảm sút do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nợ công tăng cao ở hầu khắp các nước, sự biến đổi khí hậu và thiên tai, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ,  tài nguyên và biển đảo…còn diễn biến hết sức phức tạp . Kinh tế thế giới sẽ phục hồi chậm và khó có thể bước nhanh vào thời kỳ tăng trưởng mới với mức tăng trưởng cao. Các nền kinh tế mới nổi và ASEAN sẽ phục hồi nhanh hơn và bước vào kỳ tăng trưởng sớm hơn các khu vực khác.

     

    4. Tác động của các FTA đối với Việt Nam

    Bối cảnh quốc tế và trong nước như trên sẽ đặt ra nhiều lợi thế, hạn chế, khó khăn và thách thức đối với việc tham gia các FTA.  Bên cạnh các lợi thế và điểm mạnh về sự ổn định chính trị, về kinh nghiệm và vị thế của Việt nam sau 25 năm đổi mới, chúng ta cũng còn không ít khó khăn và thách thức.Trước hết đó là nhận thức và quan điểm tham gia các FTA còn có sự khác nhau và chưa thống nhất trong các ngành, các cấp. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế còn dựa vào đầu tư công ở mức độ cao và hiệu quả thấp, dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ và chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường sinh thái. Độ mở của nền kinh tế cao nhưng khả năng ứng phó với các biến động của kinh tế và  thị trường thế giới còn nhiều hạn chế. Theo các cam kết hội nhập, các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ gia tăng áp lực thâm nhập thị trường Việt Nam và cả trên thị trường thế giới. Các hàng rào trong thương mại quốc tế sẽ tiếp tục được dựng lên với mức độ cao và tinh vi hơn nhưng khả năng ứng phó của Việt Nam còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng sáng tạo và trình độ  quản trị  kinh doanh hiện đại còn nhiều hạn chế v.v… Đó là những vấn đề phải tính đến khi xác lập các quan điểm và định hướng để tiếp tục hội nhập các FTA ngày càng sâu rộng hơn trong thời kỳ tới.

     

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn tamnt133 vì bài viết hữu ích
    hungmaiusa (19/11/2015)
  • #407129   19/11/2015

    Nguyên tắc lựa chọn & Mục tiêu của Việt Nam

    đối với các FTA

     

    Nước ta đã thực hiện cải cách, đổi mới cũng như mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ta sẽ tham gia tất cả mọi Hiệp định. Bất cứ một Hiệp định nào cũng đòi hỏi quá trình dài đám phán giữa các nước thành viên để đi đến thống nhất. Vì vậy Nhà nước ta cũng có những tiêu chí và quan điểm rõ ràng trong việc chọn lựa tham gia FTA

     

    1. Các nguyên tắc lựa chọn đối tác để  tham gia các FTA

    • Một là: phải dựa trên các căn cứ có tính khoa học và thực tiễn để xác định khả năng tham gia của Việt Nam. Trong đó, cần căn cứ vào: 1/ Tương quan về lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh quốc gia với các nước đối tác;2/ Mức độ chênh lệch trình độ phát triển với các nước đối tác;3/ Dung lượng thị trường của các nước đối tác và mức độ chênh lệch giữa thực trạng và tiềm năng quan hệ thương mại-đầu tư giữa nước ta với các đối tác đó;4/ Mức độ hài hòa với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tổng thể của quốc gia, bao gồm cả chính sách đối ngoại và chiến lược hội nhập tổng thể.
    • Hai là : phải đảm bảo một tầm nhìn dài hạn, với các mục tiêu cụ thể và có thể xác định được đối với từng nước đối tác. Đó là mục tiêu  về mở rộng thị trường; mục tiêu xây dựng và củng cố vị thế chính trị đối ngoai; và mục tiêu tạo lập hiệu ứng “động” tích cực tới năng suất, lợi thế so sánh mới, năng lực cạnh tranh mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo hệ thống an sinh xã hội. Các nhóm mục tiêu này cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của đất nước cũng như phù hợp với chính sách đối ngoại và hội nhập tổng thể. Tùy theo mục tiêu đặt đặt ra để lựa chọn đối tác ưu tiên khi xây dựng lộ trình tham gia FTA.

    Bên cạnh 2 nguyên tắc đã nêu, cần chú ý đến 5 vấn đề quan trọng khi lựa chọn như sau: 1/Trước khi quyết định tham gia mỗi FTA cần khảo sát, đánh giá và dự báo những lợi ích và bất lợi của ta; 2/Tham gia các FTA một cách chủ động, có chọn lọc theo lộ trình từng bước vững chắc, bám sát sự biến đổi của tình hình chính trị và kinh tế thế giới, phù hợp với năng lực tham gia của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình CNH, HĐH đất nước; 3/Lựa chọn đối tác tham gia FTA phải trên cơ sở đảm bảo lợi ích kinh tế, không ký FTA với các đối tác không xác định rõ lợi ích kinh tế; Theo đuổi các liên kết FTA mang lại lợi ích cho dân tộc chứ không theo đuổi các liên kết chưa rõ lợi ích; 4/Thận trọng thiết lập quan hệ FTA với các nước lớn và tránh để bị mắc kẹt trong quan hệ giữa các nước lớn; chú trọng các đối tác có nhiều tiềm năng nhưng không xao nhãng các đối tác trước mắt chưa có lợi ích gắn bó; 5/Trong quá trình đàm phán tham gia các FTA, không để các nước đối tác thông qua con đường hợp tác, liên kết kinh tế để  tác động chuyển hóa chính trị, đảm bảo giữ vững độc lập tự chủ trong quá trình hội nhập các FTA.

     

    2. Mục tiêu chiến lược tham gia các FTA

    • Mở  rộng thị trường trong và ngoài nước để phát triển sản xuất  và xuất nhập khẩu, nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực về vốn, khoa học-công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến.
    • Góp phần nâng cao thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vưc, tham gia tốt hơn vào hệ thống phân công lao động trong khu vực và trên thế giới, phát huy tốt các lợi thế hiện hữu và tạo ra các lợi thế so sánh mới, nâng cao vị thế đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.Đảm bảo hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh.
    • Thúc đẩy và hỗ trợ quá trình cải cách chính sách và xây dựng thể chế để phát triển kinh tế và nâng cao khả năng ứng phó với những thay đổi nhanh của môi trường và thị trường thế giới, tạo điều kiện tốt để các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và có thị phần lớn tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

    3. Thứ tự ưu tiên của các tiêu chí trong đàm phán ký kết FTA

    1. Tiêu chí lợi ích kinh tế (thương mại, đầu tư, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh…

    2. Tiêu chí lợi ích chính trị chiến lược

    3. Tiêu chí hiệu ứng tác động và lan tỏa

    Nguyên tắc chung trong xác định đối tác ưu tiên đàm phán ký kết Hiệp định FTA trong thời kỳ tới của ta là tất cả các đối tác đều cần được xem xét đánh giá theo cả 3 tiêu chí chủ yếu nêu trên. Ưu tiên cao nhất cho các đối tác đáp ứng đủ cả 3 tiêu chí này, tiếp sau là ưu tiên cho các đối tác đáp ứng 2 tiêu chí lợi ích kinh tế và trong những trường hợp đặc biệt cần xem xét cả những đối tác đáp ứng được 1 trong 3 tiêu chí trên. Tất cả các đối tác được lựa chọn để đàm phán tham gia FTA đều dựa vào yêu cầu phát triển của đất nước, gắn chặt với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, tầm nhìn đến 2030.

    Nguồn: Tổng hợp từ Internet

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn tamnt133 vì bài viết hữu ích
    hungmaiusa (19/11/2015)
  • #407131   19/11/2015

    lawyerphanvn
    lawyerphanvn

    Male
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:28/10/2008
    Tổng số bài viết (72)
    Số điểm: 1161
    Cảm ơn: 16
    Được cảm ơn 52 lần


    bạn đang viết cái gì thế ???

    Lawyer PHAN TRƯỜNG HÂN (JOHN)

    Web: www.PazPus.com

     
    Báo quản trị |  
  • #407132   19/11/2015

    lawyerphanvn viết:

    bạn đang viết cái gì thế ???

    Tổng hợp kiến thức 

    Những điều cần biết về Hiệp định thương mại

     

    Đây là phòng dành cho sinh viên Luật mà bạn

     
    Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn tamnt133 vì bài viết hữu ích
    Khongtheyeuemhon (19/11/2015) nguyenanh1292 (19/11/2015)