Những điều cần biết về cưỡng chế trong lĩnh vực đất đai

Chủ đề   RSS   
  • #533523 26/11/2019

    Limma

    Female
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/09/2019
    Tổng số bài viết (116)
    Số điểm: 1075
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 145 lần


    Những điều cần biết về cưỡng chế trong lĩnh vực đất đai

    Cưỡng chế thi hành là biện pháp bắt buộc cá nhân hay tổ chức phải thực hiện một nghĩa vụ, trách nhiệm theo quyết định đã có hiệu lực của một cá nhân, tổ chức có thẩm quyền. Thông thường, cưỡng chế liên quan đến đất đai là do Ủy ban nhân huyện ban hành quyết định. Vậy trường hợp nào thì người dân bị ra quyết định cưỡng chế? Và được thực hiện như thế nào? các bạn cùng tham khảo bài viết sau:

    1. Cưỡng chế được áp dụng khi nào?

    Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây (căn cứ Điều 71 Luật đất đai 2013):

    - Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;

    - Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;

    - Quyết định cưỡng chế  thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;

    - Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.

    Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.

    Theo đó, việc cưỡng chế thu hồi đất phải đảm bảo nguyên tắc tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;  thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.

    Do đó, bạn cần lưu ý các điều kiện trên, vì theo quy định phải có các điều kiện nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền mới được tiến hành cưỡng chế.

    Nếu bạn phát hiện cơ quan, thẩm quyền làm sai trước khi cưỡng chế thiếu một trong các điều kiện nêu trên, hay không đồng ý với thủ tục thu hồi đất thì có thể khiếu nại theo trình tự, thủ tục tại đây;

    Lưu ý: Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại (khoản 6 Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).

    - Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

    - Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).

    - Đối với trường hợp việc thu hồi đất có liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật khác có liên quan thì Nhà nước tiến hành thu hồi đất, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định mà không phải chờ cho đến khi giải quyết xong quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng đất giữa người có đất thu hồi và tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật có liên quan.

    2. Về trình tự, thủ tục thi hành cưỡng chế

    Bước 1: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.

    Bước 2: Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế;

    Thành phần Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất gồm (khoản 3 Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP):

    - Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là trưởng ban;

    - Các thành viên gồm đại diện các cơ quan tài chính, tài nguyên và môi trường, thanh tra, tư pháp, xây dựng cấp huyện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất và một số thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

    Trách nhiệm của Ban thực hiện cưỡng chế:

    - Chủ trì, lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt;

    - Thực hiện cưỡng chế theo phương án đã được phê duyệt;

    - Bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;

    - Trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản (Lưu ý: Chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán).

    Bước 3: Tiến hành vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế.

    Theo đó, Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

    Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế;

    Bước 4: Tiến hành cưỡng chế

    Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

    Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

    Lưu ý: khi tiến hành cưỡng chế, ngoài thành viên Ban thực hiện cưỡng chế thì có thêm (khoản 5, Điều 71 Luật đất đai 2013):

    - Lực lượng Công an có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất;

    - Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất; tham gia thực hiện cưỡng chế; phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất;

    - Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại; thực hiện phương án tái định cư trước khi thực hiện cưỡng chế; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế; bố trí kinh phí cưỡng chế thu hồi đất;

    Xem thêm:

    >>> Giá đất bồi thường khi thu hồi được xác định tại thời điểm nào?

    >>> Đơn giá bồi thường khi thu hồi đất ở của 63 tỉnh thành [MỚI NHẤT]

    >>> THU HỒI ĐẤT VÀ BỒI THƯỜNG RA SAO?

    Cập nhật bởi Limma ngày 26/11/2019 11:19:33 SA
     
    17809 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn Limma vì bài viết hữu ích
    yuanping (26/11/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận