Kết hôn là đề tài hết sức gần gũi và quan trọng đối với chúng ta; tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ những điều cần biết trước khi kết hôn để tránh thiệt hại cho bản thân. Sau đây, là một số chia sẻ:
>> Những việc cần làm trước khi quan hệ tình dục
1. Có thể mất đi một khối tài sản lớn
Khi yêu, ai cũng mong muốn được yêu, kết hôn và sống với nhau đến đầu bạc răng long. Nhưng cuộc đời không phải là giấc mơ, đôi khi hôn nhân bị tan vỡ và hai người phải nói lời chia tay. Sự việc sẽ trở nên phức tạp và rối rắm nếu trong quá trình ly hôn hai bên không thỏa thuận được việc phân chia tài sản; khi ấy, tòa án sẽ chia theo nguyên tắc “tài sản chung thì chia đôi, tài sản riêng của ai thì thuộc về người đó”.
Về mặt lý thuyết thì không có gì phải lo sợ điều này; nhưng thực tế, có rất nhiều trường hợp tài sản riêng (hình thành trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân) rất dễ biến thành tài sản chung, mà là tài sản chung thì phải áp dụng nguyên tắc chia đôi. Như vậy, người đóng góp tài sản riêng bị mất đi một khối tài sản lớn (đáng lẽ ra khối tài sản này thuộc về mình chứ không phải chia).
Ví dụ 1: Anh Từ Đặc Biệt trước khi kết hôn có một biệt thự 500 m2 trên đường Đồng Khởi, Quận 1, TP.HCM; sau khi kết hôn với chị Trần Yến Ly thì hai vợ chồng thống nhất bán biệt thự của anh Biệt ở Quận 1, rồi dùng toàn bộ số tiền bán biệt thự để mua đất tại Quận 9, TP.HCM xây nhà trọ cho thuê và ở đó cho không khí thoáng mát (Giấy tờ nhà đất ở Quận 9 đứng tên cả hai vợ chồng). Một ngày đen tối bùng đến, đúng như tên gọi của hai người kết hợp lại là Biệt – Ly thì hai người ly hôn và yêu cầu tòa án chia tài sản (hai bên không thỏa thuận được việc chia tài sản). Trường hợp này, anh Biệt không còn bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh với tòa án là tiền nhà đất ở quận 9 là chỉ do một mình anh mua (lấy từ tài sản riêng)... thế là tòa quyết định coi tài sản này là tài sản chung. Như vậy, số phận của anh Biệt lúc này giống cái họ của hai người ghép lại là Từ – Trần.
Ví dụ 2: Sau khi kết hôn, anh Nghĩa Đức Thất được cha,mẹ ruột tặng nguyên một căn nhà 100 m2 ở Hồ Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội; sau đó một thời gian chị Trang Hi Vọng (vợ anh Thất) nói với chồng là “hai vợ,chồng mình đang có công việc ổn định tại TP.HCM, thời tiết trong này dễ chịu, và tương lai hai vợ chồng mình ở trong này chứ không có về quê được, hay anh bán căn nhà mà cha,mẹ cho anh rồi mình lấy tiền mua nhà ở trong này ở để không tốn tiền phòng trọ như hiện nay”, anh Thất thấy có lý và làm theo lời vợ. Vài năm sau, hai người quyết định ly hôn và câu chuyện chia tài sản cũng tương tự với trường hợp của vợ chồng anh Biệt – Ly. Lúc này, tâm trạng của anh Thất như cái tên của hai người ghép lại là Thất Vọng.
Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn – Luật hôn nhân và Gia đình 2014
...
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
|
2. Có thể ngồi tù
Những ai “bắt cá hai tay” hay “chích điện bắt nhiều cá cùng lúc” trong tình yêu thì cẩn trọng những điều sau nếu đã kết hôn. Khi yêu, pháp luật không cấm bạn một lúc yêu nhiều hơn một người nhưng đã kết hôn rồi thì pháp luật bắt buộc vợ,chồng phải có nghĩa vụ chung thủy.
Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng – Luật hôn nhân và Gia đình 2014
1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
|
Nếu ai đó có hành vi ngoại tình thì có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng – 3.000.000 đồng; thậm chí, có thể bị xử lý hình sự với hình phạt lên đến 3 năm tù.
Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng – Nghị định 110/2013/NĐ-CP
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
...
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
Điều 147. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng – Bộ luật Hình sự 1999
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
|
Đồng thời, khi chia tài sản chung (trong trường hợp ly hôn vì lý do ngoại tình) thì người nào ngoại tình được hưởng phần tài sản ít hơn người kia.
Điều 7. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn – Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP
...
4. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:
...
d) “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.
Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.
|
Lời kết: Bài viết trên chỉ nêu ra những rủi ro mà bạn có thể mắc phải khi kết hôn, song cách giải quyết vấn đề như thế nào là nằm ở mỗi người. Hi vọng, mỗi người sẽ có một phương pháp riêng phù hợp với mình để tình yêu và hôn nhân được duy trì một cách tốt đẹp, không trái pháp luật, đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội.