HIV là gì? Những dấu hiệu nhiễm HIV ở nam là gì? Người bị nhiễm HIV mà cố tình lây cho người khác thì bị xử lý như thế nào? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
(1) HIV là gì?
HIV là tên viết tắt của một loại vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người( Human Imunodeficiency Virus), gây nên bệnh AIDS.
AIDS: Là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người do virus HIV gây nên.
HIV xâm nhập vào các tế bào của hệ thống miễn dịch, gây tiêu hủy hoặc suy giảm chức năng của tế bào. Tình trạng nhiễm HIV tiến triển sẽ làm suy sụp hệ thống miễn dịch và sau cùng dẫn đến Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (acquired immunodeficiency syndrome, AIDS).
HIV được xếp vào nhóm Lentivirus thuộc họ Retroviridea. Họ vi rút này có một loại men sao chép ngược (Reverse transcriptase) cho phép sao chép DNA từ RNA. Hiện nay đã tìm thấy hai loại vi rút HIV đó là HIV-1 và HIV-2, có đường lây truyền giống nhau nhưng khác nhau ở một số chi tiết trong cấu trúc.
(2) Dấu hiệu bị nhiễm HIV ở nam giới
Mỗi nam giới là một cá thể khác biệt, do đó triệu chứng HIV ở người này so với người khác rất thay đổi. Tuy nhiên các biểu hiện của HIV vẫn theo ba giai đoạn tiến triển chung của bệnh.
Giai đoạn 1
Khoảng 80% nam giới phơi nhiễm với HIV sau 2 - 4 tuần sẽ xuất hiện các biểu hiện giống như cúm. Đây là giai đoạn nhiễm HIV cấp tính, và các triệu chứng hay gặp nhất bao gồm:
- Phát ban trên cơ thể.
- Sốt.
- Đau họng.
- Đau đầu nghiêm trọng.
Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm:
- Mệt mỏi.
- Sưng đau hạch bạch huyết.
- Loét miệng hoặc bộ phận sinh dục.
- Đau cơ.
- Đau khớp.
- Buồn nôn, nôn.
- Đổ mồ hôi ban đêm.
Các triệu chứng thường kéo dài từ một tới hai tuần. Các triệu chứng nhiễm HIV ở nam giới và ở nữ giới là giống nhau, nhưng vết loét sinh dục trên dương vật là biểu hiện đặc trưng ở nam giới. HIV cũng có thể dẫn tới suy chức năng tuyến sinh dục nam giới do giảm tiết nội tiết tố sinh dục nam.
Giai đoạn 2
Sau khi những dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên biến mất, HIV thường không xuất hiện thêm biểu hiện nào nữa trong nhiều năm. Trong khoảng thời gian này, virus vẫn tiếp tục nhân lên và bắt đầu làm suy yếu hệ miễn dịch, nhưng bên ngoài bệnh nhân trông vẫn có vẻ bình thường. Giai đoạn này virus có thể lây nhiễm cho người khác, do đó việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
Giai đoạn 3
Đến thời điểm này, HIV đã phá hủy được hệ miễn dịch của cơ thể. Giai đoạn này còn được gọi dưới cái tên AIDS, là giai đoạn cuối của bệnh. Bệnh nhân lúc này không còn khả năng chống đỡ trước các tác nhân gây bệnh, và nhiễm trùng cơ hội sẽ bùng phát. Nhiễm trùng cơ hội là các tình trạng mà bình thường cơ thể con người có thể chống lại, nhưng người nhiễm HIV thì không. Những người nhiễm HIV có thể thấy rằng họ thường xuyên bị cảm lạnh, cảm cúm, và hay nhiễm nấm. Khi tiến triển đến giai đoạn 3 sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
- Buồn nôn, nôn.
- Tiêu chảy dai dẳng.
- Mệt mỏi mạn tính.
- Sụt cân nhanh.
- Ho, thở khó.
- Sốt tái diễn, ớn lạnh, ra mồ hôi ban đêm.
- Phát ban, mẩn rát, hoặc các vết loét ở miệng hoặc mũi, ở bộ phận sinh dục, hoặc dưới da.
- Sưng đau hạch kéo dài vùng nách, bẹn và cổ.
- Mất trí nhớ, loạn thần hoặc các rối loạn tâm thần khác.
(3) Thời điểm xét nghiệm HIV cho nam giới
Nam giới có hoạt động tình dục nên kiểm tra HIV ít nhất một lần trong đời. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) khuyến cáo những người có yếu tố nguy cơ nên thực hiện xét nghiệm định kì mỗi năm một lần (những người này là: nam giới đồng tính và lưỡng tính, nam giới có quan hệ đồng giới và nam giới tiêm chích ma túy).
Nếu nghi ngờ phơi nhiễm HIV hoặc có quan hệ tình dục không an toàn cũng nên đi xét nghiệm.
(4) Cách phòng ngừa HIV cho nam giới
Nam giới có thể phòng tránh HIV bằng những cách sau:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Dù quan hệ tình dục qua đường âm đạo hay hậu môn, nếu sử dụng đúng cách, bao cao su mang lại hiệu quả cao trong phòng tránh lây nhiễm HIV.
- Không tiêm chích ma túy: Tốt nhất không nên sử dụng ma túy dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu tiêm chích ma túy, không dùng chung hay tái sử dụng bơm kim tiêm.
- Luôn cảnh giác: Luôn cẩn thận khi tiếp xúc với máu, hãy sử dụng găng tay hoặc đồ bảo hộ để ngăn lây nhiễm.
- Xét nghiệm HIV: Nên thực hiện xét nghiệm HIV theo khuyến cáo.
Tham khảo một số quy định liên quan đến nhiễm HIV:
Mức phạt tội lây truyền HIV cho người khác
Mức phạt tội lây truyền HIV cho người khác được quy định tại Điều 148 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi 2017 như sau:
- Người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người khác, trừ trường hợp nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Đối với người dưới 18 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 145 Bộ luật Hình sự;
+ Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
+ Đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình;
+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Người phạm tội lây truyền HIV cho người khác phải là người bị nhiễm HIV và biết mình bị nhiễm HIV.
Mức phạt tội cố ý truyền HIV cho người khác
Người phạm tội cố ý truyền HIV cho người khác là người không bị nhiễm HIV.
Theo đó, mức phạt tội cố ý truyền HIV cho người khác được quy định tại Điều 149 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi 2017 như sau:
- Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp tại mục 1, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Có tổ chức;
+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
+ Đối với người dưới 18 tuổi;
+ Đối với từ 02 người đến 05 người;
+ Lợi dụng nghề nghiệp;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
+ Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
+ Đối với 06 người trở lên;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Làm nạn nhân tự sát.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.