Từ ngày 01/1/2024 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 sẽ bắt đầu có hiệu lực trong đó, quy định chuyển tiếp về chuyển đổi chứng chỉ hành nghề sang giấy phép hành nghề.
1. Đối tượng phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề sang giấy phép hành nghề
Căn cứ Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề bao gồm:
- Chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề bao gồm:
+ Bác sỹ;
+ Y sỹ;
+ Điều dưỡng;
+ Hộ sinh;
+ Kỹ thuật y;
+ Dinh dưỡng lâm sàng;
+ Cấp cứu viên ngoại viện;
+ Tâm lý lâm sàng;
+ Lương y;
+ Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Chính phủ quy định chức danh chuyên môn và điều kiện cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề đối với chức danh chuyên môn được bổ sung ngoài các chức danh nêu trên phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ sau khi báo cáo UBTVQH.
Theo quy định trên bao gồm 10 chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề.
2. Giấy phép khám chữa bệnh được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định giấy phép hành nghề trong cơ sở y tế như sau:
- Mỗi người hành nghề chỉ được cấp 01 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc.
- Giấy phép hành nghề có thời hạn 05 năm.
- Nội dung của giấy phép hành nghề bao gồm các thông tin cơ bản sau đây:
+ Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân đối với người hành nghề Việt Nam; số hộ chiếu và quốc tịch đối với người hành nghề nước ngoài;
+ Chức danh chuyên môn;
+ Phạm vi hành nghề;
+ Thời hạn của giấy phép hành nghề.
- Người đề nghị cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ trường hợp do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề mà phải cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh.
- Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết Điều này và quy định mẫu giấy phép hành nghề.
3. Trường hợp nào bị thu hồi giấy phép hành nghề?
Căn cứ Điều 35 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thu hồi giấy phép hành nghề nếu thuộc các trường hợp sau đây:
- Giấy phép hành nghề bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
+ Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định;
+ Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề;
+ Cấp sai chức danh chuyên môn hoặc phạm vi hành nghề trong giấy phép hành nghề so với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề;
+ Người hành nghề không hành nghề trong thời gian 24 tháng liên tục, trừ trường hợp tham gia chương trình đào tạo chuyên khoa;
+ Người hành nghề thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề quy định tại các khoản 1,2, 3, 4 và 6 Điều 20 của Luật này;
+ Người hành nghề bị Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề;
+ Người hành nghề lần thứ hai bị Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải đình chỉ hành nghề trong thời hạn của giấy phép hành nghề;
+ Người hành nghề lần thứ hai bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là có vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến mức phải đình chỉ hành nghề trong thời hạn của giấy phép hành nghề;
+ Người hành nghề tự đề nghị thu hồi giấy phép hành nghề;
+ Trường hợp khác do Chính phủ quy định sau khi đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Sau khi thu hồi giấy phép hành nghề, trường hợp muốn tiếp tục hành nghề, người hành nghề phải đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề quy định tại điểm c khoản 1 Điều 30 của Luật này hoặc đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 của Luật này.