Nhiều thay đổi tại Luật chứng khoán sửa đổi 2018

Chủ đề   RSS   
  • #445472 17/01/2017

    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1722 lần


    Nhiều thay đổi tại Luật chứng khoán sửa đổi 2018

    Qua đánh giá hơn 10 năm đi vào thực tiễn áp dụng, Luật Chứng khoán 2006 bộc lộ nhiều khuyết điểm, đồng thời, cùng với sự thay đổi của các Bộ luật dân sự 2015, Luật doanh nghiệp 2014, Luật đầu tư 2014 và Luật xử lý vi phạm hành chính 2012…Vì vậy, cần phải thay đổi Luật chứng khoán theo hướng phù hợp với các Bộ luật và Luật mới này.

    Dự kiến Luật chứng khoán sửa đổi được thông qua tại Quý IV năm 2018. Theo đó, có nhiều nội dung thay đổi như:

    1. Thay đổi thẩm quyền cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán

    Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được trao thêm quyền:

    - Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng có dấu hiệu vi phạm.

    - Yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản ngân hàng của đối tượng có dấu hiệu vi phạm

    - Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan đến làm việc để làm rõ hành vi vi phạm.

    Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan (ngân hàng, thuế, đăng ký kinh doanh, công an…) trong phối hợp thực hiện.

    2. Thay đổi chính sách hàng hóa trên thị trường chứng khoán

    - Sửa đổi các quy định về chào bán chứng khoán theo hướng xác định điều kiện phát hành phù hợp với từng loại sản phẩm (chứng khoán nợ, chứng khoán vốn, chứng khoán phái sinh)

    - Sửa đổi tiêu chí phân biệt chào bán chứng khoán ra công chúng và chào bán chứng khóan riêng lẻ theo hướng gắn với đối tượng phát hành.

    - Bổ sung một số điều kiện cụ thể đối với chào bán cổ phiếu và trái phiếu:

    + Đối với cổ phiếu, giới hạn về tổng giá trị đợt phát hành so với tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành (không phát hành quá số lượng cổ phiếu đang lưu hành), khoảng cách giữa các đợt phát hành thêm (tối thiểu 01 năm), trừ một số trường hợp đặc biệt như doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Chính phủ về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin…

    + Đối với trái phiếu, giới hạn khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo tỷ lệ so với vốn chủ sở hữu, quy định về mức trần lãi suất trái phiếu huy động, hệ số khả năng thanh toán của doanh nghiệp phát hành, yêu cầu về định mức tín nhiệm…

    - Bổ sung, Luật hóa quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng (bao gồm trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền)

    - Sửa đổi quy định về khái niệm công ty đại chúng để thống nhất và rõ ràng về đối tượng quản lý, đồng thời, tương thích với việc hủy công ty đại chúng khi không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng, không bị ràng buộc bởi điều kiện về niêm yết hay điều kiện về chào bán ra công chúng, nâng cao điều kiện về vốn điều lệ và số lượng nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của công ty, cụ thể là công ty đại chúng là công ty cổ phần có cổ phiếu được ít nhất 200 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khóan chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 50 tỷ đồng Việt Nam trở lên.

    3. Thay đổi quy định về thị trường giao dịch chứng khoán

    Sẽ có các quy định khung bao gồm:

    - Loại sản phẩm giao dịch: Gồm khái niệm cơ bản về chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn, loại tài sản cơ sở cho giao dịch các chứng khoán phái sinh

    - Đơn vị nào tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh như Sở Giao dịch chứng khoán, hình thức tổ chức thị trường, quy định niêm yết, hủy niêm yết, tạm ngừng giao dịch, phương thức giao dịch

    - Đơn vị nào thực hiện bù trừ thanh toán, hình thức thanh toán, quy định ký quỹ, tài sản ký quỹ, quy trình xử lý mất khả năng thanh toán, các loại quỹ thanh toán, quản trị rủi ro.

    - Quy định về tổ chức trung gian: các tổ chức nào được tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, điều kiện tham gia thị trường chứng khoán phái sinh với các nghiệp vụ kinh doanh cụ thể, các loại thành viên trên thị trường chứng khoán phái sinh: thành viên giao dịch, thành viên bù trừ, các quyền và nghĩa vụ của thành viên và quy định tạm ngừng, chấm dứt tư cách thành viên

    Quy định về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, công bố thông tin, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán phái sinh…

    4. Thay đổi về Trung tâm Lưu Ký Chứng khoán (TTLKCK)

    Sửa đổi tên gọi và các quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động nghiệp vụ của TTLKCK theo hướng:

    - Bổ sung hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quản lý, chức năng nhiệm vụ của TTLKCK như sau: TTLKCK Việt Nam được thành lập và hoạt động theo mô hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

    TTLKCK Việt Nam là tổ chức duy nhất thực hiện chức năng nhiệm vụ tổ chức và giám sát hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán và thực hiện cơ chế đối tác bù trừ trung tâm.

    TTLKCK là loại hình doanh nghiệp đặc thù, hoạt động không hoàn toàn nhằm mục đích lợi nhuận.

    - Sửa đổi, bổ sung quy định thành viên của TTLKCK theo hướng thành viên của TTLKCK bao gồm thành viên lưu ký và thành viên bù trừ.

    - Về đăng ký chứng khoán: chỉnh sửa quy định về chứng khoán đăng ký tại TTLKCK

    - Về lưu ký chứng khoán: bổ sung quy định liên quan đến hoạt động lưu ký

    - Về bù trừ, thanh toán chứng khoán: bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động bù trừ thanh toán chứng khoán

    5. Thay đổi về thu hút đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam

    Đối với quy định sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng: sửa đổi quy định hiện hành theo hướng đối với những ngành nghề không quy định tại Biểu cam kết WTO mà nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài không quy định về sở hữu nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài được xem xét áp dụng trong trường hợp này là 100% thay vì mức 49% như hiện tại sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành về việc không hạn chế sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngành, nghề đó.

    Đối với định nghĩa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng: nghiên cứu bổ sung định nghĩa theo hướng tỷ lệ sở hữu nước ngoài là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp có quyền biểu quyết của tất cả nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51%  vốn điều lệ trở lên tính trên tổng số vốn điều lệ của một công ty đại chúng…

    6. Thay đổi về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán

    Sửa đổi các quy định hiện hành về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán

    - Quy định cơ chế công bố thông tin của công ty đại chúng dựa trên quy mô vốn và tính đại chúng

    - Quy định rõ phương thức công bố thông tin, đối tượng, nội dung công bố thông tin

    - Làm rõ trách nhiệm công bố thông tin của các cổ đông lớn/nhà đầu tư sở hữu trên 5% chứng chỉ quỹ đóng, nhóm người có liên quan và các chức danh nội bộ, người có liên quan của người nội bộ của công ty đại chúng/quỹ đại chúng…

    Các bạn có thể xem chi tiết tại Tài liệu Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi (file đính kèm)

     
    3848 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận