Nhiệm vụ quyền hạn của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ đề   RSS   
  • #605955 07/10/2023

    thuytrangak
    Top 75
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:30/08/2017
    Tổng số bài viết (940)
    Số điểm: 7910
    Cảm ơn: 86
    Được cảm ơn 175 lần


    Nhiệm vụ quyền hạn của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

    Ban Công tác đại biểu là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu, công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện các chức năng khác theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 2 Nghị quyết 21/2022/UBTVQH15 như sau:

    1. Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

    - Chủ trì tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;

    - Chủ trì tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

    + Trình Quốc hội quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội; quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia;

    + Chuẩn bị và giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương; dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; quy định bộ máy giúp việc Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; tiếp nhận từ Hội đồng bầu cử quốc gia biên bản tổng kết, hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội;

    - Phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

    + Ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về bầu cử theo thẩm quyền;

    + Tiếp nhận từ Hội đồng bầu cử quốc gia hồ sơ về khiếu nại, tố cáo liên quan đến những người trúng cử đại biểu Quốc hội chưa được giải quyết để giải quyết hoặc xử lý theo quy định;

    + Tổ chức giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;

    + Thực hiện các nhiệm vụ khác về bầu cử thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    2. Đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội

    - Chủ trì tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến về nhân sự giữ chức vụ Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

    - Chủ trì tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

    + Phê chuẩn kết quả bầu và việc cho thôi làm Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội; quyết định việc chuyển sinh hoạt Đoàn của đại biểu Quốc hội;

    + Xem xét, quyết định việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu trong thời gian Quốc hội không họp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất hoặc báo cáo để Quốc hội quyết định trong thời gian Quốc hội họp;

    + Xem xét, quyết định về việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, người trúng cử đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp hoặc báo cáo để Quốc hội quyết định trong thời gian Quốc hội họp;

    + Xem xét, quyết định đối với đề nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải người làm việc là đại biểu Quốc hội tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; việc tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội; việc đưa ra để Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội;

    + Hướng dẫn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội;

    + Quy định tên kỷ niệm chương, đối tượng, tiêu chuẩn tặng kỷ niệm chương và tổ chức thực hiện việc tặng kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét, cho ý kiến về việc đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội, cán bộ và nguyên cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận hình thức khen thưởng của cá nhân, tổ chức nước ngoài và các cơ quan, tổ chức quốc tế;

    + Quy định, hướng dẫn về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác đối với đại biểu Quốc hội; ban hành cơ chế chính sách sử dụng chuyên gia trong hoạt động của Quốc hội;

    + Thành lập đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về địa phương để xem xét các vấn đề mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu;

    - Chủ trì thực hiện:

    + Tổ chức quản lý hồ sơ và các tài liệu liên quan đến đại biểu Quốc hội;

    + Tổng hợp, báo cáo về tình hình thay đổi số lượng đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ.

    Ngoài ra, Ban Công tác đại biểu còn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác như:

    - Giúp Chủ tịch Quốc hội giữ mối liên hệ với các đại biểu Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp công tác với Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức hữu quan về các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu.

    - Chủ trì soạn thảo hoặc phối hợp với cơ quan hữu quan soạn thảo pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành luật, nghị quyết về các vấn đề thuộc lĩnh vực Ban Công tác đại biểu phụ trách theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện tổ chức bộ máy của Quốc hội khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công.

    - Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế và các nhiệm vụ khác do Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội phân công.

    Xem thêm tại Nghị quyết 21/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/09/2022.

     
    448 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận