Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước là bao lâu? Chủ tịch nước có quyền hạn gì?

Chủ đề   RSS   
  • #614200 18/07/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 11

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (929)
    Số điểm: 15784
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 309 lần
    SMod

    Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước là bao lâu? Chủ tịch nước có quyền hạn gì?

    Theo quy định hiện nay thì một nhiệm kỳ của Chủ tịch nước là bao lâu? Có trường hợp nào nhiệm kỳ của Chủ tịch nước ngắn hơn thông thường không? Quyền hạn của Chủ tịch nước bao gồm những gì?

    Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước là bao lâu?

    Theo Điều 87 Hiến pháp 2013 quy định nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.

    Trong đó, theo Điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định về nhiệm kỳ Quốc hội như sau:

    - Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.

    - Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong.

    - Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.

    Như vậy, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước là 5 năm, theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

    Trường hợp nào nhiệm kỳ của Chủ tịch nước ngắn hơn thông thường?

    Theo Điều 30 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định:

    - Cán bộ có thể xin thôi làm nhiệm vụ hoặc từ chức, miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

    + Không đủ sức khỏe;

    + Không đủ năng lực, uy tín;

    - Theo yêu cầu nhiệm vụ;

    - Vì lý do khác.

    Đồng thời, theo Điều 10, Điều 11 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định:

    - Việc từ chức của người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn:

    + Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức.

    + Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

    - Miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn:

    Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó.

    Như vậy, trường hợp Chủ tịch nước được bổ nhiệm giữa nhiệm kỳ; nghỉ hưu; xin thôi làm nhiệm vụ; từ chức hay bị miễn nhiệm, bãi nhiệm trong nhiệm kỳ thì sẽ có nhiệm kỳ ngắn hơn nhiệm kỳ thông thường.

    Chủ tịch nước có quyền hạn gì?

    Theo Điều 88 Hiến pháp 2013 quy định Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

    - Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;

    - Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm: 

    Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ;

    - Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm:

    Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá;

    - Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam;

    - Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

    - Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp 2013; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước.

    Như vậy, khi nắm giữ chức vụ Chủ tịch nước thì người giữ chức vụ này phải có những quyền hạn và trách nhiệm theo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam như trên.

     
    206 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận