Hiện nay, thời buổi kinh tế giao thương hàng hóa đang rất phát triển giữa các quốc gia với nhau. Có rất nhiều mặt hàng được nhập khẩu trong đó có nói đến việc nhập khẩu vật nuôi. Vậy thì pháp luật quy định gì về việc nhập khẩu vật nuôi hiện nay?
Nhập khẩu vật nuôi thì có cần hồ sơ về nguồn gốc của chúng hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Chăn nuôi 2018 nêu rằng việc nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi phải đảm bảo:
- Vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu phải có hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo những yêu cầu kèm theo như:
- Trước khi vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại cửa khẩu theo quy định, vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu phải được kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra về văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức thực thi, điều kiện sản xuất, kinh doanh vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi tại nước xuất xứ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:
+ Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;
+ Vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu lần đầu từ nước xuất xứ;
+ Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam;
+ Trường hợp sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh phải tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, cung cấp tại nước xuất xứ trước khi cho phép nhập khẩu.
- Sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vi phạm pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh phải được thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Việc nhập khẩu vật nuôi sống làm thực phẩm và cửa khẩu được phép tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam.
Như vậy, việc nhập khẩu vật nuôi thì phải cần có hồ sơ về loài đó đầy đủ bên cạnh đó còn phải đảm bảo đầy đủ những yêu cầu đã nói đến như quy định trên.
Trong quá trình vận chuyển nhập khẩu vật nuôi về nước thì việc đối xử nhân đạo sẽ ra sao?
Tại Điều 70 Luật Chăn nuôi 2018 nói rằng việc đối xử nhân đạo với vật nuôi trong vận chuyển phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
- Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi;
- Cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi;
- Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Như vậy, trong quá trình vận chuyển nhập khẩu vật nuôi là chó mèo về nước thì việc đối xử nhân đạo sẽ phải đảm bảo sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi; Đặc biệt không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc quản lý chăn nuôi sẽ như thế nào?
Theo quy định tại Điều 79 Luật Chăn nuôi 2018 thì trách nhiệm của Chính phủ, Bộ và cơ quan ngang Bộ sẽ thực hiện:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chăn nuôi trong phạm vi cả nước.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về chăn nuôi trong phạm vi cả nước và có trách nhiệm sau đây:
+ Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án trong chăn nuôi;
+ Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong chăn nuôi;
+ Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong chăn nuôi; quy định chỉ tiêu chất lượng bắt buộc phải công bố; xây dựng và hướng dẫn quy trình thực hành chăn nuôi tốt;
+ Tổ chức thống kê, điều tra cơ bản, báo cáo trong chăn nuôi;
+ Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới;
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về chăn nuôi;
+ Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chăn nuôi;
+ Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về chăn nuôi theo thẩm quyền;
+ Đầu mối thực hiện hợp tác quốc tế về chăn nuôi.
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Như vậy, việc trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc quản lý chăn nuôi sẽ như quy định trên và các cơ quan nào phải đảm bảo thực thi đúng trách nhiệm của mình.
Từ những quy định nêu trên, có thể thấy Nhà nước ta đang ngày càng siết chặt việc chăn nuôi, quan trọng hơn hết là khâu nhập khẩu vật nuôi. Do đó, các đơn vị nhập khẩu vật nuôi cần đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.