Nhận tội thay con

Chủ đề   RSS   
  • #538806 14/02/2020

    Nhận tội thay con

    Vì có mâu thuẫn từ trước, T đã nhờ mẹ gọi điện thoại cho cậu ruột tới nói chuyện, đồng thời thủ sẵn một con dao với ý định sẽ hù dọa. Thế nhưng khi Nguyễn Xuân H tới, T lại nổi nóng dùng tuýp sắt đập vào xe máy của cậu ruột. Bị người cậu đánh lại, T dùng dao đâm liên tiếp 3 nhát khiến nạn nhân tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, vì thương con, bà G đã cơ quan chức năng tới đầu thú, tự nhận mình là người gây ra án mạng. Tuy nhiên, lời khai của bà G lại không khớp với kết quả khám nghiệm tử thi cùng các chứng cứ khác. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã nhanh chóng phát hiện ra hung thủ đích thực là T.

    Trong thực tế, nhận tội thay người khác được đặt trong nhiều tình huống khác nhau, người nhận tội thay người khác có thể là vì lý do tình cảm, vấn đề đạo đức, vấn đề kinh tế hoặc vì nhiều lý do khác. Tuy nhiên, cho dù là vì lý do gì thì hành vi tự nhận mình là người phạm tội thay cho người khác đã xâm phạm khách thể là các hoạt động tư pháp quy định tại chương 24 Bộ luật Hình sự 2015 - Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Như vậy có thể khẳng định, hành vi nhận tội thay người khác là vi phạm pháp luật hình sự. 

    Về ý kiến cho rằng, hành vi nhận tội thay con của bà Nguyễn Thị G phạm tội Khai báo gian dối theo Điều 382 Bộ luật Hình sự 2015. Theo quy định của pháp luật, đối với tội Khai báo gian dối chỉ áp dụng đối với người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập lấy lời khai nhưng lại khai báo không đúng những gì mình biết… Tội này không nhất thiết phải biết người phạm tội là ai mà chỉ cần khai báo không đúng những gì mình biết trong vụ án. Còn đối với hành vi nhận tội thay thì có thể biết thủ phạm, nhưng vì lý do nào đó mà đã không khai báo ra thủ phạm, đồng thời tác động che giấu đi tội phạm. Do đó, theo chúng tôi bà G không phạm tội Khai báo gian dối.

    Đối với ý kiến về hành vi của bà G đã phạm tội Không tố giác tội phạm. Có thể thấy, hành vi không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự, về lý luận gọi là “không hành động”, tức là người phạm tội không làm một việc mà họ có nghĩa vụ phải làm và có thể làm được.

    Cụ thể hơn là họ không trình báo với cơ quan có thẩm quyền về việc tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà mình biết rõ. Việc “không hành động” này đã vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 5 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo diễn biến của vụ việc này, bà G đã tới đầu thú tại cơ quan công an, tự nhận mình là người gây ra án mạng, như vậy bà G không thuộc trường hợp “không hành động” và không phạm tội Không tố giác tội phạm.

    Căn cứ nội dung trong vụ việc này có thể thấy, việc bà G tới cơ quan chức năng đầu thú để nhận tội thay cho con mình có dấu hiệu của tội Che giấu tội phạm theo Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015. Theo quy định của pháp luật, hành vi che giấu tội phạm có thể được thực hiện dưới một trong các hình thức sau:

    - Thứ nhất, che giấu người phạm tội: Che giấu người phạm tội là biết rõ một người đã thực hiện một tội phạm nhưng đã chứa chấp, nuôi giấu trong nhà mình, tìm địa điểm cho người phạm tội ẩn náu để không bị bắt, giúp đỡ người phạm tội bỏ trốn, giúp người phạm tội thay hình đổi dạng để tránh sự truy tìm, phát hiện của mọi người hoặc có những hành vi khác che giấu người phạm tội.

    - Thứ hai, che giấu các dấu vết của tội phạm: Một tội phạm xảy ra bao giờ cũng để lại các dấu vết, các dấu vết mà tội phạm để lại có ý nghĩa rất quan trọng cho việc chứng minh tội phạm, từ dấu vết mà cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra thủ phạm. Thông thường, người thực hiện hành vi phạm tội tự mình xoá các dấu vết, nhưng nhiều trường hợp người phạm tội do không kịp xóa các dấu vết nên sau đó nhờ người khác, hoặc tuy không được nhờ nhưng người khác tự mình xoá các dấu vết của tội phạm nhằm che giấu hành vi phạm tội của người đã thực hiện tội phạm đó.

    - Thứ ba, che giấu tang vật của tội phạm: Tang vật của vụ án là công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm. Che giấu tang vật là hành vi cất giấu, hủy hoại hoặc làm biến dạng công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm.

    - Thứ tư, hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội: Đây là việc không muốn cho tội phạm bị phát hiện, xử lý theo pháp luật. Hành vi cản trở rất đa dạng như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn từ chối cung cấp các tài liệu, sổ sách, giấy tờ có liên quan đến tội phạm; từ chối cung cấp địa chỉ, nơi ở của người phạm tội đang ẩn náu mà mình biết rõ; dùng quyền hành để dụ dỗ, mua chuộc, cưỡng ép người khác không khai báo, không cung cấp tài liệu, cho cơ quan tiến hành tố tụng v.v…

    Trong vụ việc này, rõ ràng hành vi nhận tội thay con của bà G đã góp phần che giấu, giúp thủ phạm không bị phát hiện khiến cơ quan tố tụng lạc hướng. Tuy nhiên, hậu quả của hành vi che giấu tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tội phạm hoàn thành từ khi người phạm tội đã thực hiện hành vi che giấu tội phạm, không phụ thuộc vào kết quả của việc che giấu đó có đạt kết quả hay không. Như đã phân tích ở trên, điều này phù hợp với hình thức thứ tư của hành vi che giấu tội phạm. Do vậy, có cơ sở để khẳng định hành vi của bà G đã phạm tội Che giấu tội phạm theo Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015. 

    Mặc dù hành vi nhận tội thay con của bà G có dấu hiệu khách quan của việc xâm phạm hoạt động tư pháp, nhưng có thể thấy đây là hành vi mang tính bột phát, thiếu hiểu biết đầy đủ về pháp luật. Ở góc độ tình cảm ruột thịt, vì quá thương con mà người mẹ này đã lên cơ quan công an đầu thú, mong được chịu tội thay và gánh đỡ cho con sự trừng phạt của pháp luật.

    Như vậy, mục đích của người mẹ đã thể hiện rõ ràng là vì tình cảm, còn mục đích có phải cố ý xâm phạm hoạt động của các cơ quan tố tụng hay không còn cần phải được làm rõ bằng việc lấy lời khai. Tuy nhiên, ở góc độ văn bản pháp luật, việc lên đầu thú khi cơ quan chức năng chưa vào cuộc thì cũng khó có thể khẳng định hành vi này là nhằm mục đích xâm phạm hoạt động tư pháp đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, mặc dù hành vi đủ yếu tố cấu thành tội Che giấu tội phạm, nhưng theo chúng tôi, cơ quan tố tụng có thể xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người mẹ.

    (Anninhthudo)

     
    949 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận