Về vấn đề của bạn, mình có nghiên cứu và xin chia sẻ như sau:
Hiện các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam nêu về Nhãn hàng hóa thì Nghị định 43/2017/NĐ-CP là văn bản quy định chung nhất các vấn đề liên quan. Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 43/2017/NĐ-CP có nêu:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu.
2. Những hàng hóa sau đây không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này:
...
i) Hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa;
Theo đó, Nghị định này chỉ điều chỉnh đổi với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam hoặc nhập khẩu vào Việt Nam mà không áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa. Do đó, nếu đơn vị bạn chỉ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài thì không áp dụng văn bản này. Mặt khác, hiện không có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào điều chỉnh đối với nhãn hàng hóa hàng xuất khẩu.
Thay vào đó, chị có thể tham khảo tinh thần Công văn 13798/TCHQ-GSQL năm 2014 về ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành. Cụ thể:
Việc ghi nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu thực hiện theo thỏa thuận của tổ chức, cá nhân nước ngoài với doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 89 nêu trên. Doanh nghiệp xuất khẩu tự chịu trách nhiệm trong trường hợp có xảy ra tranh chấp hoặc khiếu kiện của phía nước ngoài. Khi làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan căn cứ vào thông tin khai trên tờ khai hải quan và thực tế hàng hóa (đối với hàng hóa phải kiểm tra thực tế) để quyết định thông quan.
Dựa theo tinh thần công văn này thì việc ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu sẽ thực hiện theo thỏa thuận của tổ chức, cá nhân nước ngoài với doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, để đảm bảo tính hợp pháp cho hàng hóa của mình khi xuất khẩu vào nước khách hàng, bạn nên tham khảo pháp luật của nước đó cũng như trao đổi cùng khách hàng những yêu cầu về nhãn hàng hóa mà họ đặt ra. Pháp luật Việt Nam sẽ không điều chỉnh nội dung này.