Tình trạng tín dụng đen xâm nhập vào môi trường lao động, doanh nghiệp ngày càng trở nên phức tạp. Hiện nay, người lao động và các cơ quan có thẩm quyền vô cùng lo lắng bởi đối tượng của hoạt động này thường nhắm vào người lao động có thu nhập không ổn định. Ngoài ra, còn có xu hướng lan rộng trong doanh nghiệp, thâm nhâp trong bộ phận người lao động mà đặc biệt là công nhân.
Điều này không những ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà còn gây ra sự khó khăn về mặt tài chính cho người lao động. Vậy cách để nhận diện tín dụng đen là gì và quy định xử phạt đối với các đối tượng hoạt động tín dụng đen như thế nào?
Tín dụng đen là gì?
Căn cứ tại khoản 13 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định 03 loại nghiệp vụ của hoạt động ngân hàng bao gồm: nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.
Đồng thời, khoản 14 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.
Thế nhưng, hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định về khái niệm của tín dụng đen là gì. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể hiểu tín dụng đen là một loại hình cho vay với lãi suất cao hơn quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, đối tượng cho vay loại hình này thường là các cá nhân hoặc tổ chức không có giấy phép kinh doanh hoạt động cho vay và không được pháp luật công nhận. Vì ở Việt Nam, chỉ các tổ chức tín dụng, ngân hàng mới được cấp phép hoạt động cho vay.
Hoạt động này diễn ra phức tạp hơn khi các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên... vay tiền.
Các đối tượng lập doanh nghiệp để "núp bóng", cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook... để len lỏi, tiếp cận, mời chào người có nhu cầu vay tiền, mà đặc biệt là người lao động.
Lãi suất của tín dụng đen
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 về lãi suất quy định:
Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (tức là 1,66%/tháng), trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…
Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất nêu trên (tức là 10%/năm; tương đương 0,83%/tháng) tại thời điểm trả nợ.
Theo đó, những đối tượng cho vay nào có mức lãi suất cao hơn con số mà pháp luật dân sự quy định thì là hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.
Đồng thời Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 cũng quy định về lãi suất cho vay như sau:
- Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
- Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Như vậy, trong giao dịch dân sự, mức lãi suất cao nhất được quy định là 20%/năm. Tuy nhiên, trong quan hệ cho vay giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng thì lãi suất giữa các bên là thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN , cụ thể:
Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN .
Xử phạt đối với hoạt động tín dụng đen
Phạt vi phạm hành chính
Căn cứ tại điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt vi phạm như sau:
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Như vậy tại điểm đ quy định lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 sự sẽ chịu phạt vi phạm phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Ngoài ra tại điểm a khoản 7 Điều 12 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì vi phạm sẽ phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi cho vay lãi vượt mức quy định.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ tại Điều 201 Bộ luật Dân sự 2015 được sửa đổi bởi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội cho vay nặng lãi như sau:
- Đối tượng nào mà cho vay với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên so với mức quy định tại Bộ luật dân sự tức là 100% mức lãi suất thu lợi bất chính từ 30-100 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu-1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.