Để người dân hiểu rõ hơn về Nhà xuất bản Tư pháp, một câu hỏi đặt ra là Nhà xuất bản Tư pháp có vị trí chức năng và cơ cấu tổ chức như thế nào? Vì vậy, bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Nhà xuất bản Tư pháp có chức năng gì?
Căn cứ tại Điều 1 Quyết định 1988/QĐ-BTP năm 2015 có quy định về vị trí và chức năng như sau:
- Nhà xuất bản Tư pháp (sau đây gọi tắt là Nhà xuất bản) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, có chức năng xuất bản các xuất bản phẩm nhằm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhà xuất bản chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư pháp và chịu sự quản lý nhà nước về xuất bản của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Nhà xuất bản có trụ sở tại thành phố Hà Nội, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản được mở tại Ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên thì Nhà xuất bản Tư pháp có vị trí và chức năng được quy định như trên.
Nhà xuất bản Tư pháp có vị trí chức năng và cơ cấu tổ chức như thế nào? (Hình từ Internet)
Nhà xuất bản Tư pháp có cơ cấu tổ chức như thế nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Quyết định 1988/QĐ-BTP năm 2015 có cơ cấu tổ chức như sau:
- Cơ cấu tổ chức
+ Lãnh đạo Nhà xuất bản gồm có Giám đốc và không quá 03 (ba) Phó Giám đốc, trong đó có Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập và Phó Giám đốc kiêm Phó Tổng Biên tập.
Giám đốc chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về xuất bản phẩm và mọi hoạt động của Nhà xuất bản.
Tổng Biên tập chịu trách nhiệm trước Giám đốc Nhà xuất bản và trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm của Nhà xuất bản.
Phó Giám đốc giúp Giám đốc quản lý, điều hành hoạt động của Nhà xuất bản; được Giám đốc phân công trực tiếp quản lý, điều hành một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về việc quản lý, điều hành các lĩnh vực công tác được phân công.
Phó Tổng Biên tập giúp Tổng Biên tập thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; được Tổng Biên tập phân công trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn công tác; chịu trách nhiệm trước Giám đốc, trước Tổng Biên tập và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn công tác được phân công.
- Các tổ chức trực thuộc Nhà xuất bản:
+ Phòng Tổng hợp - Hành chính;
+ Ban Biên tập;
+ Phòng Kế hoạch - Sản xuất;
+ Phòng Quản lý phát hành;
+ Phòng Tài chính - Kế toán.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trực thuộc Nhà xuất bản do Giám đốc Nhà xuất bản quy định.
Giám đốc Nhà xuất bản xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
- Số lượng người làm việc của Nhà xuất bản do Bộ trưởng quyết định phân bổ, phù hợp với nhiệm vụ được giao theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Giám đốc Nhà xuất bản.
+ Ngoài số lượng người làm việc do Bộ trưởng giao, Giám đốc Nhà xuất bản được ký kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
Như vậy, theo quy định trên thì Nhà xuất bản Tư pháp có cơ cấu tổ chức có tối đa 04 lãnh đạo trong đó: Giám đốc và không quá 03 (ba) Phó Giám đốc.
Và 05 tổ chức trực thuộc Nhà xuất bản.