Trường hợp nhà thầu đang nợ thuế thì có đủ tư cách tham gia đấu thầu không? Bảo đảm dự thầu không được hoàn trả trong trường hợp nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Nhà thầu nợ thuế có đủ tư cách tham gia đấu thầu không?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu 2023 có quy định nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Đối với nhà thầu, nhà đầu tư trong nước: Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài: có đăng ký thành lập, hoạt động theo pháp luật nước ngoài;
- Hạch toán tài chính độc lập;
- Không đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản;
- Có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
- Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này;
- Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu 2023
- Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;
- Đối với nhà thầu nước ngoài, phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, trừ trườn
Từ quy định nêu trên, có thể thấy, một trong những điều kiện để đánh giá tư cách hợp lệ của nhà thầu là không đang trong quá trình giải thể, không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật.
Theo đó, pháp luật hiện hành về đấu thầu chỉ có quy định nhà thầu bị kết luận đang lâm vào tình trạng nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật thì mới được coi là không đáp ứng tư cách hợp lệ để tham gia dự thầu.
Tóm lại, việc nợ thuế không làm ảnh hưởng đến tư cách hợp lệ của nhà thầu. Tuy nhiên, nợ thuế và đang bị cưỡng chế thuế có thể liên quan đến các vấn đề khác trong đánh giá năng lực kinh nghiệm của nhà thầu (năng lực tài chính) và rất dễ rơi vào trường hợp không đạt yêu cầu hoặc không cung cấp được các giấy tờ cần thiết liên quan đến chứng minh năng lực tài chính.
Thế nên, để các cuộc đấu thầu được hiệu quả, tránh được tình trạng nợ thuế, cưỡng chế thuế nhà thầu cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về nộp thuế.
(2) Bảo đảm dự thầu không được hoàn trả trong trường hợp nào?
Căn cứ khoản 9 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023 có quy định bảo đảm dự thầu không được hoàn trả trong các trường hợp như sau:
- Sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, nhà thầu, nhà đầu tư rút hồ sơ dự thầu hoặc có văn bản từ chối thực hiện một hoặc các công việc đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
- Nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 hoặc vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 17 Luật Đấu thầu 2023;
- Nhà thầu, nhà đầu tư không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 68 và Điều 75 Luật Đấu thầu 2023;
- Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối thương thảo hợp đồng (nếu có) trong thời hạn 05 ngày làm việc đối với đấu thầu trong nước và 10 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo mời thương thảo hợp đồng hoặc đã thương thảo hợp đồng nhưng từ chối hoàn thiện, ký kết biên bản thương thảo hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng;
- Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối hoàn thiện hợp đồng, thỏa thuận khung trong thời hạn 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng;
- Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối ký kết hợp đồng, thỏa thuận khung trong thời hạn 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày hoàn thiện hợp đồng, thỏa thuận khung, trừ trường hợp bất khả kháng;
- Nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 15 ngày đối với đấu thầu trong nước và 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng;
- Nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối ký kết hợp đồng trong thời hạn 15 ngày đối với đấu thầu trong nước và 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày hoàn thiện hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng.
Theo đó, hiện nay, bảo đảm dự thầu không được hoàn trả trong 08 trường hợp theo quy định như đã nêu trên.