Giao dịch mua bán trong một đợt khớp lệnh định kỳ có thể sẽ là những thuật ngữ còn xa lạ với đa số mọi người nhưng nó rất quan trọng đối với các nhà đầu tư chứng khoán.
Vì khi nắm được các nguyên tắc giao dịch cơ bản thì nhà đầu tư mới có thể am hiểu được cách đầu tư hiệu quả và đúng quy định pháp luật. Vậy nguyên tắc giao dịch trong một đợt khớp lệnh định kỳ được quy định ra sao?
1. Khớp lệnh định kỳ là gì?
Đầu tiên để có thể hiểu rõ hơn về các nguyên tắc trong giao dịch chứng khoán thì chúng ta phải hiểu thế nào là khớp lệnh định kỳ. Thì tại khoản 5 Điều 2 Thông tư 120/2020/TT-BTC có giải thích rằng:
Đây là phương thức giao dịch được thực hiện trên hệ thống giao dịch chứng khoán trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán tại một thời điểm xác định.
Khớp lệnh định kỳ thường được Sở giao dịch chứng khoán dùng để xác định giá mở cửa và đóng cửa.
Bên cạnh khớp lệnh định kỳ còn có khớp lệnh liên tục, là một phương thức giao dịch được thực hiện trên hệ thống giao dịch chứng khoán trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch chứng khoán.
2. 06 nguyên tắc trong giao dịch chứng khoán
Để thực hiện hợp lệ các giao dịch trong mua bán chứng khoán thì nhà đầu tư phải tuân thủ các quy tắc trong giao dịch được quy định tại Điều 7 Thông tư 120/2020/TT-BTC như sau:
(1) Giao dịch chứng khoán trong thời gian chưa triển khai hoạt động bù trừ
Trong thời gian chưa triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm, giao dịch mua chứng khoán được thực hiện như sau:
Theo đó, nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh mua chứng khoán khi có đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán, ngoại trừ giao dịch ký quỹ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 120/2020/TT-BTC.
Nếu mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký và mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán, nhà đầu tư được đặt lệnh mua chứng khoán và công ty chứng khoán được thực hiện lệnh mua chứng khoán khi có bảo lãnh thanh toán hoặc xác nhận của ngân hàng lưu ký chấp nhận yêu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư.
Công ty chứng khoán chịu trách nhiệm theo dõi số dư chứng khoán, số dư tiền, kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp các lệnh giao dịch của nhà đầu tư.
(2) Giao dịch chứng khoán sau khi hoạt động bù trừ
Sau khi hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm được triển khai, giao dịch mua chứng khoán được thực hiện như sau:
Trước hết, người đặt lệnh mua chứng khoán phải có đủ tài sản ký quỹ bù trừ tại thành viên bù trừ theo quy định pháp luật về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
Công ty chứng khoán nơi mở tài khoản giao dịch chỉ được nhập lệnh vào hệ thống giao dịch chứng khoán khi nhà đầu tư đã đáp ứng yêu cầu về ký quỹ bù trừ.
Đối với trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch, tài khoản ký quỹ bù trừ tại công ty chứng khoán và mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký thì chỉ được thực hiện khi có bảo lãnh hoặc xác nhận của ngân hàng lưu ký.
Việc theo dõi, xác nhận số dư chứng khoán, số dư tiền trước khi giao dịch chứng khoán thực hiện theo quy định pháp luật bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán.
(3) Nguyên tắc bán chứng khoán có sẵn trên tài khoản lưu ký
Nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh bán đối với chứng khoán được phép giao dịch đã có sẵn trên tài khoản lưu ký của nhà đầu tư tại ngày giao dịch, ngoại trừ các trường hợp:
- Thành viên lập quỹ hoán đổi danh mục được bán chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục, bán chứng khoán cơ cấu khi bảo đảm có đủ chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục, chứng khoán cơ cấu để chuyển giao trước thời hạn thanh toán theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Tùy vào tình hình thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai hoạt động bán chứng khoán chờ về.
(4) Giao dịch chứng khoán trên cùng một đợt khớp lệnh
Nhà đầu tư không được đặt các lệnh giao dịch cùng mua, cùng bán đồng thời cùng một mã chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ.
Trừ các lệnh đã được nhập vào hệ thống giao dịch chứng khoán tại đợt giao dịch trước đó, chưa được khớp nhưng vẫn còn hiệu lực.
(5) Trách nhiệm của công ty chứng khoán
Công ty chứng khoán có trách nhiệm kiểm soát việc đặt lệnh cùng mua, cùng bán trong cùng một đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ của nhà đầu tư trên tài khoản giao dịch mở tại công ty mình.
(6) Tổ chức nước ngoài được sử dụng tài khoản giao dịch môi giới để giao dịch trong từng đợt khớp lệnh
Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được phép sử dụng tài khoản giao dịch môi giới quy định tại điểm b khoản 7 Điều 6 Thông tư 120/2020/TT-BTC để vừa đặt lệnh mua và lệnh bán cùng một mã chứng khoán trong từng đợt khớp lệnh (định kỳ hoặc liên lục) hoặc giao dịch thỏa thuận, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc lệnh mua và lệnh bán chứng khoán không phải của cùng một nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, nhà đầu tư sẽ không được đặt các lệnh giao dịch cùng mua, cùng bán đồng thời cùng một mã chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ. Ngoại trừ trường hợp các lệnh đó đã được nhập vào hệ thống giao dịch chứng khoán ở đợt giao dịch trước mà chưa được khớp nhưng vẫn còn hiệu lực.