Nguyên tắc áp dụng pháp luật dân sự theo Bộ luật dân sự năm 2015

Chủ đề   RSS   
  • #499638 15/08/2018

    TuyenBig
    Top 100
    Female
    Trung cấp

    Bắc Kạn , Việt Nam
    Tham gia:27/03/2018
    Tổng số bài viết (741)
    Số điểm: 27039
    Cảm ơn: 24
    Được cảm ơn 952 lần


    Nguyên tắc áp dụng pháp luật dân sự theo Bộ luật dân sự năm 2015

    Để tạo cơ chế pháp lý đầy đủ cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, phát huy được vị trí, vai trò của Bộ luật dân sự, bảo đảm sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật dân sự, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế trên cơ sở kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành, Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định rất cụ thể về nguyên tắc áp dụng pháp luật dân sự từ Điều 4 đến Điều 6 như sau:

    a) Bộ luật dân sự là luật chung điều chỉnh tất cả các quan hệ dân sự, luật khác có liên quan đến điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng trái với quy định của Bộ luật dân sự thì phải áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự. Quy định như vậy là xuất phát từ các căn cứ sau đây:

    Một là, quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực dân sự vốn rất đa dạng, phong phú với nhiều định dạng, biến thể khác nhau, được điều chỉnh không chỉ bởi Bộ luật dân sự mà còn bởi nhiều luật chuyên ngành khác. Vì vậy, để quyền dân sự của các chủ thể được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện thì đòi hỏi phải có sự đồng bộ, thống nhất của cả hệ thống pháp luật tư, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ luật dân sự. Bộ luật này không chỉ đóng vai trò là bộ luật nền, có tính định hướng cho việc hình thành và phát triển của toàn bộ hệ thống pháp luật tư mà còn là cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ dân sự trong trường hợp không có quy định của luật chuyên ngành;

    Hai là, thực tiễn xây dựng và thi hành pháp luật trong thời gian qua cho thấy, việc không làm rõ vị trí, vai trò của Bộ luật dân sự trong hệ thống luật tư đã dẫn tới sự không thống nhất, đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn trong nhiều văn bản pháp luật, làm cho việc nhận thức và áp dụng pháp luật gặp nhiều khó khăn, chi phí tuân thủ cao, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong việc thực hiện, bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể trong xã hội;

    Ba là, nghiên cứu thực tiễn lập pháp của một số nước có truyền thống pháp luật tương đồng với nước ta cho thấy, Bộ luật dân sự luôn được xác định là Bộ luật có vị trí, vai trò là luật nền, luật chung trong hệ thống pháp luật tư, nhất là trong việc thực hiện ba chức năng:

     (i) Quy định những vấn đề cơ bản nhất, chung nhất có liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống dân sự;

     (ii) Định hướng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự đặc thù,

     (iii) Khi các luật chuyên ngành không có quy định về một quan hệ dân sự thì quy định của Bộ luật dân sự được áp dụng để điều chỉnh. Chẳng hạn, Bộ luật dân sự Vương quốc Campuchia quy định: Luật này đưa ra những quy định cơ bản liên quan đến mối quan hệ pháp luật dân sự. Trong trường hợp không có quy định khác trong các bộ luật chuyên ngành về quan hệ tài sản và quan hệ gia đình thì những quy định của bộ luật này hoàn toàn có thể áp dụng được (Điều 1).

    b) Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật dân sự và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

    c) Trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán trong quan hệ dân sự. Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự. Tuy nhiên, tập quán không được trái với các nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự thì mới được áp dụng.

    Nguyên tắc này cũng được quy định tại Khoản 1 Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Đồng thời, Khoản 1 Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định:

    Khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng. Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán bảo đảm đúng quy định tại Điều 5 của Bộ luật dân sự. Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.

    d) Trường hợp các phát sinh từ quan hệ dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

    Khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự (Khoản 2 Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).

    đ) Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự năm 2015, án lệ, lẽ công bằng.

    Liên quan đến án lệ, thực hiện Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo đó:

    Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Để được lựa chọn, án lệ phải đáp ứng được các tiêu chí:

    (i) chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể;

    (ii) có tính chuẩn mực;

    (iii) có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.

    Án lệ được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố. Trường hợp do sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì án lệ đương nhiên bị hủy bỏ. Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng chưa có quy định mới của pháp luật thì Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có trách nhiệm xem xét huỷ bỏ án lệ.

    Nghị quyết cũng quy định rõ, khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án.

    Ngày 06 tháng 4 năm 2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 220/ QĐ-CA quyết định về việc công bố án lệ. Theo đó, 06 án lệ đã được lựa chọn, công bố và thống nhất áp dụng theo quy định của pháp luật. [1] Hiện này là 16 án lệ. Xem chi tiết: tại đây

    Về việc áp dụng lẽ công bằng, đây là nội dung nhận được nhiều tranh luận của các đại biểu trong quá trình thảo luận tại Quốc hội. Bởi vì, “theo kinh nghiệm các nước, kể cả các nước có nền tư pháp lâu đời và phát triển, xét xử theo lẽ công bằng là một công việc khó khăn và phức tạp của tòa án nói chung và các thẩm phán nói riêng, bởi hai lẽ.

    + Một là, nguyên tắc hàng đầu của thẩm phán khi xét xử là ‘độc lập và chỉ tuân theo pháp luật’ và các thẩm phán đều được đào tạo để xét xử theo phương thức cơ bản là áp dụng luật pháp hiện hành để ra các phán quyết cho các vụ án. Xét xử theo lẽ công bằng là việc không được đào tạo hoặc không quen thuộc.

    + Hai là, khi không có cơ sở luật định, thẩm phán bắt buộc phải dựa vào nhận thức và lương tâm của mình về lẽ công bằng. Nếu một thẩm phán nào đó không có lẽ công bằng ngự trị trong nhận thức và lương tâm, do suy thoái đạo đức hay những tác động bên ngoài thì việc ban hành những bản án tùy tiện và thiên vị là điều không tránh khỏi. Khi đó hy vọng của người dân vào lẽ công bằng chỉ còn dựa vào các thẩm phán của tòa cấp trên và vai trò kiểm sát tư pháp của các kiểm sát viên”. [2]

    Để có cách hiểu và áp dụng thống nhất về lẽ công bằng, Khoản 3 Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

    Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.

    Khi pháp luật càng tốt, càng hoàn thiện thì sẽ càng hạn chế được sự sai trái hay lạm dụng của con người. Nhưng cũng có một chân lý khác: Có con người đủ năng lực và đạo đức tốt thì mới có một hệ thống tư pháp trong sạch, bảo vệ được công lý của xã hội và công bằng cho người dân. Và cuối cùng thì có hay không có luật, lẽ công bằng, như định nghĩa tại Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, phải luôn là yêu cầu tối thượng và đích đến của mọi bản án, bởi lẽ công bằng không phải là điều gì xa lạ mà chính là công lý và lẽ phải của xã hội loài người. [3]

    Có thể nói, việc quy định về áp dụng pháp luật dân sự như trên, đặc biệt là về án lệ và lẽ công bằng, là một trong những điểm mới mang tính chất đột phá của Bộ luật dân sự năm 2015, thể hiện tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Hiến pháp năm 2013./.

    Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân Tối cao

     

     
    18057 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận