Người trúng đấu giá từ chối kết quả đấu giá thì xử lý thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #615785 29/08/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1120)
    Số điểm: 18323
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 383 lần


    Người trúng đấu giá từ chối kết quả đấu giá thì xử lý thế nào?

    Trong phiên đấu giá, người ra giá cao nhất đã trúng đấu giá nhưng lại từ chối kết quả này, vậy trường hợp này phải tổ chức đấu giá lại hay xử lý thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

    (1) Người trúng đấu giá từ chối kết quả đấu giá thì xử lý thế nào?

    Liên quan đến vấn đề này, Điều 51 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi, bổ sung 2024) có quy định như sau:

    Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, sau khi đấu giá viên điều hành phiên đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại phiên đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá.

    Trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá hoặc người trả giá liền kề không chấp nhận mua tài sản đấu giá thì cuộc đấu giá không thành.

    Trường hợp phiên đấu giá được thực hiện theo phương thức đặt giá xuống, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá công bố người trúng đấu giá mà tại phiên đấu giá người trúng đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá thì cuộc đấu giá vẫn tiếp tục và bắt đầu từ giá của người từ chối kết quả trúng đấu giá. 

    Trường hợp không có người đấu giá tiếp thì cuộc đấu giá không thành.

    Như vậy, người trúng đấu giá có quyền từ chối kết quả đấu giá ngay cả khi đã công bố người trúng đấu giá với điều kiện phải thực hiện việc từ chối ngay tại phiên đấu giá đó.

    Việc xử lý trường hợp người trúng đấu giá từ chối kết quả đấu giá cũng đã được quy định rõ ràng và cụ thể.

    Theo đó, trong phương thức đấu giá trả giá lên, người trả giá liền kề sẽ trở thành người trúng đấu giá nếu người này chấp nhận mua tài sản đấu giá và giá liền kề đó đáp ứng đủ điều kiện về giá như quy định trên. Ngược lại, nếu người ra giá liền kề không chấp nhận hoặc giá liền kề không đủ, cuộc đấu giá sẽ không thành.

    Đối với phương thức đặt giá xuống, cuộc đấu giá sẽ tiếp tục với giá của người từ chối, nếu không có người tham gia tiếp thì cuộc đấu giá cũng sẽ không thành. 

    Có thể thấy, quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan mà còn đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình đấu giá. Việc hiểu rõ các quy định này là rất cần thiết để các bên tham gia có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách hiệu quả.

    (2) Tài sản đấu giá không thành giải quyết như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 52 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi, bổ sung 2024), trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuộc đấu giá không thành, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trả lại tài sản, giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Hoặc nếu cần thiết, các bên có thể thỏa thuận tổ chức đấu giá lại.

    Đặc biệt, trường hợp đã tổ chức đấu giá lại trên 02 lần mà vẫn không thành thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá có thể tiến hành đấu giá theo thủ tục rút gọn để tối ưu hóa quy trình và tăng khả năng thành công trong việc chuyển nhượng tài sản. (điểm b khoản 1 Điều 53 Luật Đấu giá tài sản 2016, sửa đổi, bổ sung 2024).

    (3) Từ chối kết quả đấu giá có được nhận lại tiền đặt trước không?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi, bổ sung 2024), người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước nhằm đảm bảo tính nghiêm túc và cam kết của họ trong quá trình đấu giá.

    Tiền đặt trước sẽ được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

    Theo đó, khoản 6 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi, bổ sung 2024) quy định, người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong các trường hợp sau đây:

    - Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia phiên đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng;

    - Bị truất quyền tham gia đấu giá do có hành vi vi phạm 

    - Từ chối ký biên bản đấu giá 

    - Rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận 

    - Từ chối kết quả trúng đấu giá 

    Như vậy, nếu người trúng đấu giá quyết định từ chối kết quả, họ sẽ không được hoàn trả khoản tiền đặt trước.

    Số tiền đặt trước này sẽ thuộc về người có tài sản đấu giá, trường hợp người có tài sản đấu giá là Nhà nước thì tiền đặt trước sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.

    Cần lưu ý, ngoài những trường hợp được quy định trên, tổ chức hành nghề đấu giá không được quy định thêm trường hợp người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước.

     
    90 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận