Có bạn từng hỏi mình, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có rất nhiều điểm mới, vậy là từ khi Bộ luật này có hiệu lực thì nghiễm nhiên các điểm mới này bắt đầu được áp dụng?
Trong Toàn bộ điểm mới của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có một điểm quan trọng có ảnh hưởng đến phần đông người dân, đó là “Người tiêu dùng đi kiện không phải chứng minh lỗi của người bán hàng”.
Lúc này, trách nhiệm chứng minh không có lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
Tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 có nêu:
Điều 42. Nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
1. Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại.
…
|
Như vậy, thực chất, nghĩa vụ chứng minh không có lỗi của người bán hàng đã có từ thời điểm 01/7/2011 (tức là thời điểm Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 có hiệu lực).
Bộ luật tố tụng dân sự 2015 ban hành mới nhằm đồng bộ các quy định về nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn, người đi kiện:
Điều 91. Nghĩa vụ chứng minh
1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
…
|