Đặc xá là một hình thức khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, trong những trường hợp đặc biệt, quyền hạn này càng được mở rộng hơn. Vậy, ai là những đối tượng có thể được xem xét đặc xá trong những trường hợp này?
(1) Người nào được đặc xá trong trường hợp đặc biệt?
Theo quy định tại Điều 22 Luật Đặc xá 2018, trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho các đối tượng sau đây mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Luật Đặc xá 2018:
- Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn
- Người đang được hoãn chấp hành án phạt tù
- Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
- Người đang chấp hành án phạt tù chung thân
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Mục I Hướng dẫn 157/TANDTC-V1 của Tòa án Nhân dân Tối cao, đối tượng được xem xét đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt là người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù không đủ điều kiện đặc xá hoặc người đang được hoãn chấp hành án phạt tù khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có văn bản của Chủ tịch nước yêu cầu đặc xá;
- Có văn bản đề nghị đặc xá của Cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế;
- Có văn bản đề nghị đặc xá của các bộ, cơ quan ngang bộ, các ban của Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Như vậy, Chủ tịch nước có quyền quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho các đối tượng bao gồm: người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, và người đang chấp hành án phạt tù chung thân.
Ngoài ra, những người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù không đủ điều kiện đặc xá hoặc hoãn chấp hành án phạt tù cũng có thể được xem xét nếu có văn bản yêu cầu đặc xá từ Chủ tịch nước, cơ quan ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế, hoặc các cơ quan nhà nước khác.
(2) Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt
Căn cứ theo Điều 23 Luật Đặc xá 2018, trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt được quy định như sau:
Bước 1:
Hồ sơ đề nghị đặc xá sẽ được lập theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc khi Chính phủ đề nghị và được Chủ tịch nước chấp nhận. Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan để lập hồ sơ trình Chủ tịch nước.
Bước 2:
- Bộ Công an có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân, báo cáo Chính phủ để trình Chủ tịch nước.
- Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ lập hồ sơ cho những người đang hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù gửi Chính phủ để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Bước 3:
- Văn phòng Chủ tịch nước rà soát, kiểm tra hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước quyết định.
Theo đó, quá trình đề nghị và quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt phải đảm bảo các nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật và phù hợp với lợi ích của xã hội.
(3) Cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt?
Liên quan đến vấn đề này, Điều 24 Luật Đặc xá 2018 có quy định như sau:
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt.
Như vậy, các cơ quan sau đây sẽ chịu trách nhiệm thực hiện quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt:
- Chính phủ
- Tòa án nhân dân tối cao
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Theo đó, việc thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài trong trường hợp đặc biệt được áp dụng theo quy định tại Điều 19 Luật Đặc xá 2018.
Bên cạnh đó, người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt cũng được trao cho các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 20 của Luật Đặc xá 2018.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 5 Luật Đặc xá 2018 Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đặc xá 2018.