Việc sở hữu hai quốc tịch hiện nay không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, một trong những câu hỏi thường gặp nhất đối với những người này là liệu họ có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự hay không?
(1) Người hai quốc tịch có phải đi nghĩa vụ quân sự?
Liên quan đến vấn đề này, theo Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định như sau:
- Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam.
- Công dân Việt Nam được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm các quyền công dân và phải làm tròn các nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật.
- Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách để công dân Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước.
- Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có quy định:
Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên, Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định những trường hợp sau đây không được đăng ký nghĩa vụ quân sự:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;
- Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Lưu ý: Khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp quy định này, công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Ngoài ra, nếu thuộc trường hợp là người người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật thì sẽ được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, khi người có hai quốc tịch mà trong đó có một quốc tịch là Việt Nam, thì người đó vẫn là công dân Việt Nam và có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước Việt Nam như những công dân khác.
Do đó, trường hợp mang hai quốc tịch mà có một quốc tịch là Việt Nam thì công dân cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của nhà nước, trừ khi thuộc các trường hợp theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
(2) Thời gian nhập ngũ hiện nay là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong các trường hợp sau đây, nhưng không quá 06 tháng:
- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
Trường hợp đất nước đang trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ sẽ được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.