Người giúp việc phải tố cáo khi phát hiện chủ nhà có hành vi vi phạm pháp luật

Chủ đề   RSS   
  • #611384 10/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (279)
    Số điểm: 3345
    Cảm ơn: 14
    Được cảm ơn 61 lần


    Người giúp việc phải tố cáo khi phát hiện chủ nhà có hành vi vi phạm pháp luật

    Người giúp việc gia đình là người làm các công việc thường xuyên trong nhà của gia đình, hộ gia đình. Do đó, có nhiều bí mật của chủ nhà mà người giúp việc vô tình sẽ biết, trong đó có thể có các hành vi vi phạm pháp luật

    (1) Người giúp việc gia đình làm các công việc gì?

    Người lao động là người giúp việc gia đình được Bộ Luật Lao động 2019 dành ra một mục riêng để quy định về quyền, nghĩa vụ và các công việc mà người giúp việc được làm.

    Theo Điều 161 Bộ Luật Lao động 2019 quy định:

    - Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.

    - Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

    Ngoài ra, tại Điều 165 Bộ Luật Lao động 2019 có quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với NSDLĐ khi sử dụng lao động là người giúp việc như sau:

    - Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.

    - Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.

    - Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động

    Do đó, người giúp việc gia đình sẽ được pháp luật bảo vệ khi NSDLĐ có các hành vi như ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực hoặc giao việc không theo hợp đồng lao động, giữ giấy tờ tùy thân của mình.

    (2) Người giúp việc phải tố cáo khi phát hiện chủ nhà có hành vi vi phạm pháp luật

    Có thể thấy, giúp việc gia đình là một công việc đặc thù được pháp luật điều chỉnh và quy định riêng do người giúp việc là người làm các công việc thường xuyên trong nhà của gia đình, hộ gia đình. Có trường hợp người giúp việc sẽ ở lại tại nhà mà mình làm việc như một thành viên của gia đình. 

    Do đó, có nhiều vấn đề trong sinh hoạt thường nhật, bí mật của chủ nhà mà người giúp việc vô tình sẽ biết, trong đó có thể có các hành vi vi phạm pháp luật. Vậy khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của chủ nhà, người giúp việc có bị bắt buộc phải tố cáo, tố giác với cơ quan có thẩm quyền hay không?

    Điều 164 Bộ Luật Lao động 2019 quy định nghĩa vụ của lao động là người giúp việc gia đình bao gồm:

    - Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.

    - Phải bồi thường theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật nếu làm hỏng, mất tài sản của người sử dụng lao động.

    - Thông báo kịp thời với người sử dụng lao động về khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe, tính mạng, tài sản của gia đình người sử dụng lao động và bản thân.

    - Tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật.

    Như vậy,khi phát hiện chủ nhà có hành vi vi phạm pháp luật, người giúp việc gia đình có nghĩa vụ phải tố cáo với cơ quan có thẩm quyền

    Ngoài ra nếu chủ nhà có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động thì người giúp việc cũng phải tố cáo với cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

    (3) Người giúp việc được pháp luật bảo đảm quyền lợi gì?

    Tại Điều 163 Bộ Luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của NSDLĐ khi thuê lao động làm người giúp việc gia đình như sau:

    - Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.

    - Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

    - Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.

    - Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận.

    - Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.

    - Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

    Như vậy, có thể hiểu người giúp việc sẽ được hưởng các quyền lợi như:

    - Được bảo đảm thực hiện các công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động, 

    - Được chủ nhà chi trả tiền đóng BHXH, BHYT

    - Được bảo đảm các quyền dân sự, quyền nhân thân

    - Được bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh nếu có thỏa thuận

    - Được chi trả tiền tàu, xe khi thôi việc để về nơi cư trú

    Người lao động chuẩn bị làm công việc là người giúp việc gia đình thì cần chú ý các quyền lợi và nghĩa vụ nêu trên khi làm công việc này để biết được các quyền lợi được pháp luật bảo vệ và nghĩa vụ phải thực hiện ngoài việc làm các công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng.

     
    46 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận