Người được thương huân chương kháng chiến hạng 3, là hội viên hội cựu chiến binh Việt Nam có đủ điều kiên hưởng trợ cấp hàng tháng theo pháp lệnh ưu đãi người có công không? Nếu có phải làm thủ tục gì? Cơ quan nào tiếp nhận?
Người được tặng Huân chương kháng chiến hạng 3 có được hưởng trợ cấp hàng tháng không?
Theo Điều 38 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 quy định thì người có công giúp đỡ cách mạng là người đã có thành tích giúp đỡ cách mạng trong lúc khó khăn, nguy hiểm và được Nhà nước khen tặng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945;
2. Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương Kháng chiến;
3. Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huy chương Kháng chiến.
Theo Điều 39 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 chế độ ưu đãi đối với người có công giúp đỡ cách mạng quy định tại khoản 2 Điều 38 của Pháp lệnh này bao gồm:
- Trợ cấp hằng tháng; trường hợp sống cô đơn thì được hưởng thêm trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng;
- Bảo hiểm y tế;
- Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần;
- Chế độ ưu đãi quy định tại điểm e và điểm g khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này.
=> Theo quy định trên thì người được tặng Huân chương kháng chiến sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Theo Phụ lục I Nghị định 75/2021/NĐ-CP, người được tặng Huân chương Kháng chiến được hưởng trợ cấp hằng tháng là 955.000 đồng. Trường hợp người được tặng Huân chương Kháng chiến sống cô đơn thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng 1.299.000 đồng.
Thủ tục giải quyết chế độ đối với người được tặng Huân chương kháng chiến hạng 3?
Theo Điều 68 Nghị định 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì căn cứ để được giải quyết chế độ người có công giúp đỡ cách mạng là bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau:
( 1) Giấy chứng nhận Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”, Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945; Huân chương Kháng chiến; Huy chương Kháng chiến.
(2) Quyết định tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến.
(3) Giấy xác nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và quá trình tham gia giúp đỡ cách mạng của cơ quan Thi đua - Khen thưởng cấp huyện trở lên đối với trường hợp không có tên trong các giấy tờ (1) nhưng có tên trong hồ sơ khen thưởng.
Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 69 Nghị định 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng:
Bước 1: Cá nhân lập bản khai theo Mẫu số 11 Phụ lục I Nghị định này kèm một trong các giấy tờ quy định tại Điều 68 Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.
Trường hợp chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì kèm theo giấy báo tử hoặc trích lục khai tử.
Bước 2: Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận bản khai, lập danh sách gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bước 3: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bước 4: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 67 Phụ lục I Nghị định này.
Theo Khoản 1 Điều 70 Nghị định 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì thời điểm hưởng hưởng trợ cấp hàng tháng đối với người được tặng Huân chương kháng chiến hạng 3 kể từ tháng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi.
Hi vọng thông tin trên hữu ích đối với bạn!