Người đứng đầu cơ quan đại diện là ai? việc bổ nhiệm và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện?
hiện nay, vai trò của ngoại giao là rất quan trọng, các nước thiết lập các cơ quan đại diện với nhau để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các nước, cơ quan đại diện bao gồm cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện tại các tổ chức quốc tế. Bài viết sẽ làm rõ hơn về những người đứng đầu của các cơ quan đại diện này theo quy định của pháp luật việt nam.
1. Người đứng đầu cơ quan đại diện
Theo quy định của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 được sửa đổi năm 2017 có quy định về người đứng đầu của các cơ quan đại diện như sau:
- Đối với cơ quan đại diện ngoại giao: Người đứng đầu là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền hoặc Đại biện trong trường hợp chưa cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
- Đối với cơ quan đại diện lãnh sự bao gồm: Người đứng đầu Tổng Lãnh sự quán là Tổng Lãnh sự và người đứng đầu Lãnh sự quán là Lãnh sự.
- Đối với cơ quan đại diện tại các tổ chức quốc tế: Người đứng đầu cơ quan đại diện tại Liên hợp quốc là Đại diện thường trực có chức vụ ngoại giao Đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Người đứng đầu cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế khác là Đại diện thường trực, Quan sát viên thường trực hoặc Đại diện của Chủ tịch nước tại tổ chức quốc tế và có chức vụ ngoại giao Đại sứ hoặc Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
2. Cử, bổ nhiệm, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện
Căn cứ Khoản 7, Điều 1, Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài sửa đổi 2017 quy định về việc cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện như sau:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu cơ quan đại diện là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
- Căn cứ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
- Chủ tịch nước quyết định cử, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện là Đại diện của Chủ tịch nước tại tổ chức quốc tế theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Trừ trường hợp Chủ tịch nước phải căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nêu trên
- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định bổ nhiệm, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện, trừ các trường hợp trên.
- Người đứng đầu cơ quan đại diện tại một quốc gia, tổ chức quốc tế có thể được cử hoặc bổ nhiệm kiêm nhiệm làm người đứng đầu cơ quan đại diện tại quốc gia, tổ chức quốc tế khác.
3. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện.
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện được quy định tại Điều 21, Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 và Khoản 8, Điều 1, Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài sửa đổi 2017. Theo đó, người đứng đầu các cơ quan đại diện có trách nhiệm sau:
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó; chỉ đạo xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan đại diện.
- Phân công, bố trí công việc của thành viên cơ quan đại diện phù hợp với quyết định bổ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và yêu cầu công tác của cơ quan đại diện; phối hợp với cơ quan hữu quan chỉ đạo công tác đối với cán bộ biệt phái; tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với thành viên cơ quan đại diện; quản lý kỷ luật lao động và đánh giá thành viên cơ quan đại diện; khen thưởng, kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
- Tham gia tổ chức hoạt động của đoàn cấp cao Việt Nam sang thăm và làm việc tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiến nghị thực hiện biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn đối với thành viên và trụ sở cơ quan đại diện
- Chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm kinh phí và cơ sở vật chất của cơ quan đại diện theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết và trực tiếp báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động của cơ quan đại diện; kiến nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao biện pháp hoàn thiện tổ chức bộ máy, biên chế và chế độ, chính sách đối với cơ quan đại diện.
- Trong trường hợp khẩn cấp, có quyền quyết định biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của thành viên cơ quan đại diện và gia đình, tài liệu và tài sản của cơ quan đại diện, đồng thời báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Trong trường hợp đặc biệt, quyết định đưa về nước thành viên cơ quan đại diện không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, quan hệ với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận, đồng thời báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan đại diện trong các tổ chức quốc tế là các Đại sứ hoặc Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, người đứng đầu cơ quan đại diện lãnh sự là Tổng Lãnh sự hoặc Lãnh sự do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm. Những người này có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện các chức năng của cơ quan đại diện. Tham gia tổ chức hoạt động của đoàn cấp cao Việt Nam sang thăm và làm việc với nước tiếp nhận. Bảo vệ, quản lý các thành viên cũng như bộ máy hành chính của cơ quan đại diện, quản lý chi phí và cơ sở vật chất của cơ quan đại diện. Ngoài ra còn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định pháp luật.