Trường hợp người đi đường bị cây đè dẫn đến bị thương, chết thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Việc nuôi trồng cây xanh trong đô thị phải tuân thủ những quy định gì?
Căn cứ Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP có quy định về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị như sau:
- Việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt.
- Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.
- Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.
Như vậy, hiện nay, việc nuôi trồng cây xanh trong đô thị phải tuân thủ theo những quy định chung như đã nêu trên.
(2) Người đi đường bị cây xanh đè bị thương, chết thì ai chịu trách nhiệm?
Như đã có nêu tại mục (1), cây xanh phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật và phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.
Đồng thời, tại Điều 604 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng có nêu rõ, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Tuy nhiên, tại đây cũng cần lưu ý, không phải mọi trường hợp người bị thiệt hại cũng có thể được bồi thường, bởi theo quy định tại Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 thì sẽ không phải bồi thường thiệt hại vì sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Từ đây, dẫn đến Điều 156 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định sự kiện bất khả kháng là sự kiện được xảy ra một cách khách quan, không lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Theo đó, nếu đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa, mé nhánh,… nhằm hạn chế tai nạn xảy ra nhưng vì dông gió, sét đánh hoặc yếu tố khác khiến cây vẫn đổ gãy gây thiệt hại thì sẽ không phải bồi thường đối với trường hợp này.
Có nghĩa là để có thể xác định được trách nhiệm bồi thường trong trường hợp cây xanh ngã đổ gây chết, bị thương đến người đi đường hay tài sản thì cần phải xem xét đơn vị quản lý cây xanh trong trường hợp này đã thực hiện hết trách nhiệm của mình hay chưa và người bị hại có lỗi hay không.
(3) Mức bồi trường trong trường hợp cây đè chết người được quy định như thế nào?
Đối với trường hợp cây đổ làm chết người thì để xác định mức bồi thường, có thể căn cứ theo Điều 591 Bộ Luật Dân sự 2015 được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, cụ thể như sau:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe cho đến thời điểm người đó chết. Theo đó, có thể kể đến như chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, chi phí khám chữa bệnh, thuê xe chở hai chiều đi khám và về nơi ở, chi phí bồi dưỡng sức khoẻ xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng/ngày khám bệnh theo địa bàn nơi có cơ sở khám chữa bệnh theo số ngày trong bệnh án,…
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng đối với các khoản tiền như: Mua quan tài; chi phí hỏa táng, chôn cất; các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo phong tục, tập quán địa phương.
Lưu ý: Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ.
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết được xác định như sau:
+ Mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, nhưng không thấp hơn 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng.
+ Thời điểm cấp dưỡng được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm về sức khỏe.
+ Đối tượng được bồi thường tiền cấp dưỡng là những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
Theo đó, hiện nay, việc bồi thường trong trường hợp cây đè chết người hiện nay được thực hiện theo quy định như đã nêu trên.