Có rất nhiều trường hợp, sử dụng sao y bản chính các loại giấy tờ như một thói quen của người dân, tránh trường hợp mất bản chính thì có thể sử dụng bản sao để thực hiện thủ tục hành chính nào đó.
Tuy nhiên, cụ thể đối với trường hợp đi làm khai sinh thì sử dụng bản sao giấy chứng sinh liệu có được chấp nhận hay không là câu hỏi mà nhiều người còn thắc mắc, nhiều gia đình đi làm khai sinh cho con thì không được chấp thuận với lý do giấy chứng sinh bản sao, quy định điều chỉnh vấn đề này như thế nào
Căn cứ Quyết định 1872/QĐ-BTP năm 2020 quy định về đăng ký khai sinh tại đơn vị hành chính xã như sau:
Giấy tờ phải nộp:
- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu.
- Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;
- Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập.
- Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.
- Văn bản ủy quyền (được chứng thực) theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh.
Do đó, có thể hiểu đối với giấy chứng sinh không phải là giấy tờ duy nhất bắt buộc để làm giấy khai sinh. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng giấy chứng sinh để làm thủ tục khai sinh thì bắt buộc phải là bản chính mới có giá trị pháp lý, còn đối với bản sao thì cơ quan cấp xã có quyền từ chối theo quy định trên.
Chính vì thế, bà con đi làm khai sinh nếu mất giấy chứng sinh thì sử dụng văn bản, giấy tờ khác nêu trên để làm còn bản sao sẽ không được chấp nhận trong trường hợp này.