Theo Điều 619 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế kế vụ theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015.
Những người có quyền thừa kế di sản của nhau được hiểu là những người có quan hệ thừa kế hai chiều, theo thứ tự lần lượt cụ thể như sau:
- Giữa vợ với chồng hoặc giữa cha mẹ với con. Đây là hàng thừa kế thứ nhất nên về nguyên tắc được hưởng di sản thừa kế của nhau trong mọi trường hợp.
- Giữa anh, chị, em ruột với nhau hoặc giữa ông bà nội, ngoại với cháu. Trong trường hợp những người mục 1 không còn ai hoặc thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản.
- Giữa cụ với chắt ruột hoặc giữa bác, chú, cậu, cô, dì ruột với cháu ruột. Trong trường hợp những người mục 2 không còn ai hoặc thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản.
Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước thời điểm người để lại di sản chết.
Do đó, những người có quyền thừa kế di sản của nhau nhưng họ đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm thì họ không được hưởng thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng.
Sở dĩ pháp luật dân sự quy định như vậy là để nhằm chấm dứt một tình trạng không có hồi kết thúc trong việc hưởng di sản thừa kế giữa những người thừa kế có quyền hưởng di sản của nhau khi họ chết trong cùng một thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm.