Người chuyển giới có phải đi nghĩa vụ quân sự không? Trốn NVQS bị xử lý thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #604280 26/07/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2151)
    Số điểm: 75119
    Cảm ơn: 63
    Được cảm ơn 1599 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Người chuyển giới có phải đi nghĩa vụ quân sự không? Trốn NVQS bị xử lý thế nào?

    Hiện nay, việc chuyển giới không còn quá xa lạ đối với cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc liệu đã chuyển giới rồi, cụ thể chuyển giới từ nam sang nữ thì có được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự hay không? Nếu chuyển giới để trốn nghĩa vụ quân sự thì sẽ bị xử lý như thế nào?

    Người chuyển giới có được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự không?

    Theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, người chuyển giới không thuộc đối tượng được miễn hoặc bị cấm nghĩa vụ quân sự. Do đó, nếu đáp ứng đủ các điều kiện khác thì người chuyển giới vẫn thuộc trường hợp đi nghĩa vụ quân sự. 

    Xem bài viết liên quan: Trốn nghĩa vụ quân sự bị xử lý ra sao? Các trường hợp nào được tạm hoãn, miễn NVQS?

    Căn cứ tại Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về những trường hợp không được đăng ký nghĩa vụ quân sự như sau:

    - Trường hợp không được đăng ký nghĩa vụ quân sự: 

    + Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc chưa được xoá án tích dù đã chấp hành xong hình phạt tù.

    + Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã hoặc thuộc trường hợp bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

    + Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang.

    - Trường hợp miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự: Người bị mắc bệnh tâm thần, bị bệnh hiểm nghèo, bị khuyết tật hoặc bệnh mãn tính.

    Tuy nhiên, đối với trường hợp không được đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu hết thời gian không được đăng ký thì có thể đăng ký nghĩa vụ quân sự theo thủ tục thông thường.

    Như vậy, người chuyển giới không thuộc một trong các trường hợp không được đăng ký hay miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự. Vì thế, người chuyển giới vẫn phải đi nghĩa vụ quân sự nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Điều 12 và Điều 30, 31 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.

    Tham khảo: Xử phạt vi phạm hành chính hành vi trốn nghĩa vụ quân sự

    1) Đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định:

    Căn cứ tại Khoản 2, 3 Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định hành vi không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 bị xử lý như sau:

    + Phạt cảnh cáo đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nhưng không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu;

    + Phạt tiền từ 08-10 triệu đồng đối trường hợp không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu (trừ trường hợp đã phạt cảnh cáo nêu trên) hoặc các trường hợp không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, nơi cư trú… theo quy định.

    2) Đối với hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

    Theo Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP), hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị xử lý như sau:

    - Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

    - Phạt tiền từ 12-15 triệu đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

    - Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

    + Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 02 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

    - Phạt tiền từ 25-35 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

    3) Đối với hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ:

    Khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP (sửa đổi Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP) quy định phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:

    - Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

    - Phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP

    Theo đó, sau khi bị xử phạt hành chính mà không thực hiện mà tiếp tục trốn tránh nhập ngũ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự

    Căn cứ theo điều 332 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, nếu đã bị xử phạt hành chính mà không chấp hành sẽ bị xử lý hình sự:

    Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

    Khung hình phạt cao nhất cho tội này có thể lên đến 05 năm tù

    Như vậy, trường hợp trốn tránh nhập ngũ theo lệnh gọi nghĩa vụ quân sự thì sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phải nhập ngũ. Sau khi bị xử phạt hành chính mà không thực hiện mà tiếp tục trốn tránh nhập ngũ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm). 

    Xem bài viết liên quan: Trốn nghĩa vụ quân sự bị xử lý ra sao? Các trường hợp nào được tạm hoãn, miễn NVQS?

     
    1000 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (10/08/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận