Hiện nay Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ bổ sung vào hệ thống tư pháp các quy định về tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội và bị hại là người chưa thành niên. Trong đó, nổi bật là quy định người chưa thành niên sẽ bị cấm tiếp xúc với bị hại.
Đã có định nghĩa cụ thể người chưa thành niên phạm tội
Xem đầy đủ Dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/18/Du_thao_Luat_Tu_phap_nguoi_chua_thanh_nien.pdf
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (dự thảo), người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm được quy định tại Bộ luật Hình sự.
Trong đó, hành vi nguy hiểm được giải thích tại Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Người chưa thành niên phạm tội sẽ bị cấm tiếp xúc với bị hại
Theo điểm i Khoản 1 Điều 27 dự thảo, cấm tiếp xúc là một trong các biện pháp xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội.
Theo đó, biện pháp xử lý chuyển hướng theo khoản 5 Điều 4 dự thảo là thủ tục thay thế thủ tục tố tụng hình sự để xử lý người chưa thành niên phạm tội bằng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa mang tính xã hội.
Ai sẽ được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng?
Theo Điều 28 dự thảo quy định người chưa thành niên thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự tại Điều 29 Bộ luật Hình sự có thể được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng:
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự;
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Hình sự;
- Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án
Đồng thời, điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 29 dự thảo như sau:
Người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 28 dự thảo được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có chứng cứ người chưa thành niên đã thực hiện hành vi phạm tội;
- Người chưa thành niên tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội;
- Người chưa thành niên đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Quy định về cấm tiếp xúc bị hại
Theo Điều 38 dự thảo quy định về cấm tiếp xúc như sau:
Cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người chưa thành niên có hành vi phạm tội đến gần bị hại hoặc sử dụng phương tiện, công cụ để thực hiện các hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của bị hại.
Cấm tiếp xúc được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có đủ các điều kiện quy định.
Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thẩm quyền ấn định thời gian cấm tiếp xúc đối với người chưa thành niên phạm tội từ 06 tháng đến 02 năm
Như vậy, khi người chưa thành niên phạm tội ở mức độ được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, thì tuỳ theo hành vi mà người chưa thành niên đó sẽ không phải tham gia thủ tục tố tụng mà sẽ bị áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với bị hại từ 06 tháng - 02 năm.
Có trường hợp nào tăng thời hạn cấm tiếp xúc không?
Theo quy định tại Điều 42 dự thảo về gia hạn thời gian áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng như sau:
- Người được áp dụng một trong các biện pháp xử lý chuyển hướng theo quy định có thể bị gia hạn thời gian áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu 01 lần cố ý vi phạm.
- Việc gia hạn áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng chỉ được thực hiện 01 lần, thời hạn gia hạn không quá một phần hai thời hạn áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đó.
Như vậy, trong trường hợp cố ý vi phạm 01 lần thì sẽ được xem xét gia hạn áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với thời gian không quá nửa thời hạn áp dụng biện pháp.
Xem đầy đủ Dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/18/Du_thao_Luat_Tu_phap_nguoi_chua_thanh_nien.pdf