Người chưa thành niên hiếp dâm người chưa thành niên có chịu TNHS không?

Chủ đề   RSS   
  • #612790 14/06/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 11

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (929)
    Số điểm: 15784
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 309 lần
    SMod

    Người chưa thành niên hiếp dâm người chưa thành niên có chịu TNHS không?

    Những năm qua pháp luật nước ta đã xử lý rất nhiều trường hợp tội phạm hiếp dâm người chưa thành niên. Vậy, người chưa thành niên hiếp dâm người chưa thành niên thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

    Bao nhiêu tuổi thì gọi là người chưa thành niên?

    - Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

    - Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nếu không rơi vào một trong 03 trường hợp sau:

    + Mất năng lực hành vi dân sự;

    + Có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

    + Hạn chế năng lực hành vi dân sự.

    Theo đó, người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi.

    Người chưa thành niên hiếp dâm người chưa thành niên có chịu TNHS không?

    Theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

    - Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật hình sự 2015 có quy định khác.

    - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật hình sự 2015.

    Như vậy, người chưa thành niên nhưng từ đủ 16 tuổi trở lên thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trong đó có các tội về hiếp dâm người chưa thành niên.

    Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về  tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có các tội về hiếp dâm, cưỡng dâm người chưa thành niên bao gồm:

    -  Phạm tội hiếp dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo khoản 4 Điều 141 Bộ luật hình sự 2015.

    - Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142 Bộ luật hình sự 2015

    - Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo khoản 4 Điều 143 Bộ luật hình sự 2015

    - Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Điều 144 Bộ luật hình sự 2015

    Theo đó, người chưa thành niên sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi từ đủ 14 tuổi trở lên. Mặc dù vậy, các đối tượng còn lại dù không bị xử lý hình sự nhưng vẫn sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng theo Điều 90, 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi 2020.

    Tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là gì?

    Theo khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 quy định phân loại tội phạm như sau:

    Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

    - Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự 2015 quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

    - Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

    - Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

    - Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

    Theo đó, tội phạm rất nghiêm trọng là những tội phạm có khung hình phạt từ trên 7 năm, đặc biệt nghiêm trọng là từ trên 15 năm tù.

    Lưu ý: 

    Theo Điều 39 Bộ luật hình sự 2015 quy định không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

    Theo khoản 2 Điều 40 Bộ luật hình sự 2015 quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

    Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ chỉ chịu tội phạm có khung hình phạt là từ trên 7 đến 20 năm tù, tù chung thân tại các điều quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015.

    Những nguyên tắc phải tuân thủ khi xử lý tội phạm chưa thành niên

    Theo Điều 91 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 quy định nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

    - Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

    Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

    - Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định: 

    + Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 Bộ luật hình sự 2015;

    + Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 Bộ luật hình sự 2015;

    + Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

    - Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

    - Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

    - Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

    Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

    Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

    - Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

    Như vậy, tội phạm chưa thành niên là một đối tượng đặc biệt, theo đó khi xử lý loại tội phạm này cần phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng.

    Xem thêm: Các hình phạt phải chịu khi giao cấu với người dưới 18 tuổi?

     
    150 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận