Khi mua BHYT, người cao tuổi có được miễn, giảm gì không nếu người này không hưởng lương hưu, không có trợ cấp BHXH? Chế độ BHYT đối với người cao tuổi như thế nào? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Ai tham gia BHYT được đăng ký KCB ban đầu tại BV tuyến tỉnh?
Căn cứ Thông tư 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế về việc Quy định đăng ký khám chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu, thì những trường hợp người tham gia BHYT được đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh như:
- Đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh;
- Người có công với cách mạng, người từ đủ 80 tuổi trở lên;
- Trẻ em dưới 6 tuổi đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện Sản - Nhi.
Ngoài ra để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh, đối với những người mắc một trong 62 bệnh cần phải điều trị dài ngày ban hành kèm theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế được thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu tại tuyến tỉnh.
Xem Danh sách 62 bệnh
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/08/19/danh-sach-benh.docx
Song, theo nhu cầu của người tham gia BHYT khi cung cấp hồ sơ như: toa thuốc, giấy ra viện, sổ KCB hoặc bảng kê mẫu 01/KBCB cho cơ quan BHXH để đối chiếu làm căn cứ thực hiện chuyển nơi đăng ký KCB vào tháng đầu hàng quý.
Người cao tuổi không hưởng lương hưu, không có trợ cấp BHXH hằng tháng thì mua BHYT có được miễn giảm không?
Căn cứ tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng cụ thể sau đây:
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
- Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;
- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 20/2021/NĐ-CP có quy định đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được cấp thẻ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.
Như vậy, theo quy định trên người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu thì thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Do đó, nếu người cao tuổi không hưởng lương hưu, không hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng thì sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và được cấp thẻ BHYT theo quy định.
Về chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội của người cao tuổi thì có thể liên hệ với UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, đối với trường hợp người cao tuổi không thuộc đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 5 và khoản 1 Điều 9 Nghị định 20/2021/NĐ-CP thì vẫn tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình.
Nếu trong cùng hộ gia đình có nhiều người tham gia trong năm tài chính, sẽ được giảm tỷ lệ đóng theo thứ tự thành viên cùng tham gia quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ.