Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì trong một số trường hợp nhất định vụ án chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc đại diện của họ.
Khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc đại diện của họ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Tuy nhiên người đã yêu cầu khởi tố có quyền rút lại yêu cầu này, cụ thể Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”.
Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 tiếp tục đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013; một trọng các quy định đó được quy định tại Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 là “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ …”.
Như vậy, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 không giới hạn thời điểm rút đơn yêu cầu khởi tố của bị hại, người bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố ở bất cứ thời điểm nào là nhằm thể hiện sự tôn trọng ý chí của người bị hại và tạo điều kiện cho người phạm tội khắc phục hậu quả, hạn chế việc gây thêm những tổn thất, mất mát về vật chất, tinh thần, danh dự không cần thiết có thể có đối với người bị hại. Tuy nhiên, quy định này còn có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:
Người bị hại chỉ có quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án tại giai đoạn sơ thẩm (bất kỳ thời điểm nào tại giai đoạn sơ thẩm)
Theo khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã không giới hạn việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố trước phiên toà nên người bị hại có quyền rút yêu cầu của mình tại phiên toà sơ thẩm thì vụ án được đình chỉ; nếu sau khi xét xử sơ thẩm mà người bị hại mới rút yêu cầu khởi tố thì không được chấp nhận mà chỉ coi đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự vì theo Khoản 2 Điều 346 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì tại giai đoạn chuẩn xét xử phúc thẩm thì thẩm phán có quyền Đình chỉ xét xử phúc thẩm hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Như vậy, thẩm phán chủ tọa phiên tòa không có thẩm quyền đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Theo Điều 359 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì tại phiên toà phúc thẩm Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền huỷ bản án và đình chỉ trong 02 trường hợp,
Thứ nhất: Tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án khi: Không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm;
Thứ hai: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Tội phạm đã được đại xá; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Như vậy, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng không quy định bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố là căn cứ để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Người bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án tại giai đoạn bất cứ thời điểm nào, kể cả tại phiên toà phúc thẩm
Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã không giới hạn việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố, do đó người bị hại rút yêu cầu khởi tố ở thời điểm nào thì vụ án cũng phải được đình chỉ, kể cả tại phiên toà phúc thẩm.