Ngày 28/02/2023 Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP năm 2023 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 02 năm 2023.
Cụ thể, qua phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 02/2023 Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:
(1) Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND Tp. Hà Nội và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu sau:
- Tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, văn bản của các cơ quan có thẩm quyền khác, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
- Trong quá trình xây dựng Luật cần rà soát chọn lọc một số giải pháp chính sách trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tránh trùng lặp với các chính sách chung, rà soát, chọn lọc các quy định có liên quan tới Thủ đô; đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế.
- Đồng thời cần kế thừa, bổ sung, luật hóa những quy định hiện hành đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, ưu tiên các cơ chế chính sách trọng điểm, đặc thù như: cơ chế huy động nguồn lực hợp tác công tư; cơ chế đầu tư hạ tầng giao thông hiệu quả nhằm giảm tải, giảm áp lực về hạ tầng giao thông; huy động các nguồn vốn linh hoạt, hiệu quả,...
- Các chính sách cần bảo đảm yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính; có chính sách đột phá, thu hút được các nguồn lực, nhân tài cho sự phát triển của Thủ đô; có cơ chế kiểm soát quyền lực, thanh tra, giám sát.
Về thời gian trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 năm 2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024).
(2) Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu sau:
- Sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi, khắc phục được các khó khăn, vướng mắc, bất cập; phù hợp với điều ước quốc tế; chính sách đã được Chính phủ thông qua; thể hiện rõ nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá của các tổ chức, doanh nghiệp cũng như trong quản lý nhà nước về đấu giá; bảo đảm công khai, minh bạch; phòng, chống tiêu cực, thất thoát tài sản.
- Cần nghiên cứu để có cơ chế đấu giá phù hợp đối với các tài sản đặc thù như: quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, biển số phương tiện giao thông cơ giới, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu, di sản văn hóa... nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
- Quá trình xây dựng chính sách, xây dựng Luật cần bảo đảm sự tham gia có hiệu quả của các cơ quan, Tổ chức, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.
(3) Đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân
Chính phủ giao Bộ Quốc phòng khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ, hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:
- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, làm rõ mối quan hệ giữa phòng không nhân dân, phòng không không quân, dân quân tự vệ, phòng thủ dân sự; rà soát các luật liên quan như:
Để xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng không nhân dân để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi.
- Nghiên cứu các giải pháp quản lý nhằm phù hợp với tình hình mới về yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, sự phát triển của khoa học công nghệ và phát triển kinh tế, xã hội.
- Tiếp tục rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong quản lý, thực hiện các hoạt động phòng không nhân dân, không bỏ sót, tránh trùng lặp, chồng chéo nhiệm vụ, bảo đảm sự phối hợp hiệu quả.
(4) Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Luật, Bộ Quốc phòng nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Luật về một số vấn đề cụ thể như sau:
- Hoàn thiện quy định lực lượng quản lý, bảo vệ công trình sơ tán thời chiến trường hợp, các ban, bộ, ngành trung ương không tổ chức được lực lượng bảo vệ thì bàn giao cho Bộ Quốc phòng bố trí lực lượng quân sự địa phương trực tiếp bảo vệ trong thời bình.
- Quy định thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác cùng với đất công trình quốc phòng để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, bảo đảm yêu cầu về an ninh, quốc phòng, bí mật quân sự. Các trường hợp đặc biệt thì cần có chính sách đặc thù, đồng thời cần có công cụ kiểm soát chặt chẽ.
(5) Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Chính phủ cơ bản thống nhất về nội dung dự án Luật. Bộ Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:
- Quy định các chính sách đối với nhà chung cư: thời hạn sử dụng nhà chung cư; các trường hợp phải phá dỡ chung cư; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể, phù hợp với quy định Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Xây dựng 2014 và Luật Đất đai 2013, bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
- Có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, triển khai quyết liệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030.
- Xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp.
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định cho phép nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hoặc đất khác (trừ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm) được thực hiện dự án nhà ở thương mại, phù hợp với quy hoạch khi có đủ điều kiện làm chủ đầu tư.
- Trong quá trình hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo Luật cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng điều chỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật.
(6) Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung của dự án Luật. Bộ Xây dựng tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:
- Làm rõ nguyên tắc áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản 2014 trong mối quan hệ với các luật có liên quan phù hợp với nguyên tắc xây dựng và áp dụng pháp luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo nguyên tắc Nhà nước sẽ không can thiệp nếu thị trường vận hành tốt, bảo đảm phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững.
- Rà soát các quy định pháp luật của dự thảo Luật về: hợp đồng, công chứng, thẩm quyền, thủ tục, điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản... bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật về công chứng, dân sự, đất đai, đầu tư...
- Cải cách thủ tục hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục lấy ý kiến, tham vấn đầy đủ, thực chất ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn.
(7) Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)
Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung của dự án Luật. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện dự án Luật bảo đảm các yêu cầu sau:
- Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; tăng cường phân cấp về thẩm quyền; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; sửa đổi, luật hóa các quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và cam kết quốc tế của Việt Nam.
- Nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách mới về: dịch vụ ứng dụng Internet trong hoạt động viễn thông, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây.
Điều kiện cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng tại Việt Nam, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với xu thế hội nhập và sự thay đổi về công nghệ thông tin, viễn thông.
- Tiếp tục rà soát các luật hiện hành và các luật đang sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.