Ngày 07/02/2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP thông qua hồ sơ xây dựng nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân là quyền riêng tư và được pháp luật bảo vệ; bảo vệ dữ liệu cá nhân được thể hiện qua nhiều khía cạnh, như: bảo đảm quyền tự chủ, quyền riêng tư và bảo toàn được danh dự, uy tín của mỗi cá nhân.
Theo đó, Chính phủ đồng ý quy định dữ liệu cá nhân được xử lý không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong trường hợp sau:
Thứ nhất, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác trong tình huống khẩn cấp. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.
Thứ hai, việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.
Thứ ba, việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật.
(So với trước đó, tại Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 07/03/2022 thông qua hồ sơ xây dựng nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân chỉ quy định việc xử lý là cần thiết vì yêu cầu quốc phòng, an ninh quốc gia, được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật khác.)
Thứ tư, để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật.
Thứ năm, phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.
Trên đây là 05 trường hợp mà Chính phủ đồng ý quy định dữ liệu cá nhân được xử lý không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu
Xem chi tiết tại Nghị quyết 13/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 07/02/2023.