Chào bạn!
Căn cứ vào thông tin sơ bộ mà bạn cung cấp tôi xin góp ý với bạn như sau:
1. Về phía công ty cũ mà bạn làm việc
- Thứ nhất, hợp đồng lao động:
+ Bạn đã làm cho công ty 17 tháng, tuy nhiên 2 bên không thỏa thuận thời hạn chấm dứt hợp đồng lao động nên hợp đồng này là hợp đồng không xác định thời hạn theo điểm a khoản 1 Điều 22 Bộ luật Lao động 2012:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
+ Giữa công ty và bạn không ký kết hợp đồng lao động, như vậy công ty đã vi phạm khoản 1 điều 18 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
“Điều 18. Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động
1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.”
Hơn nữa bạn làm việc ở công ty những 17 tháng thì trường hợp này bắt buộc phải có hợp đồng bằng văn bản theo Điều 16 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”
Trường hợp này, có thể cho thỏa thuận về quan hệ lao động giữa bạn và công ty cũ là một hợp đồng miệng, bạn và bên công ty cần bổ sung hợp đồng lao động bằng văn bản để hợp đồng giữa bạn và bên công ty không trở thành hợp đồng vô hiệu theo điều 134 Bộ luật Dân sự 2005
« Điều 134. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu. »
Trường hợp công ty không bổ sung hợp đồng lao động, thì bạn vẫn có thể chứng minh tồn tại quan hệ lao động bằng các giấy tờ có liên quan đến việc bạn đã làm cho công ty 17 tháng.
Thậm chí trong trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu thì bạn vẫn có thể nhận lại các khoản tiền từ phía công ty theo Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005 khi giao dịch dân sự vô hiệu các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận :
“Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.”
- Thứ hai, việc trích tiền bảo hiểm từ quỹ tiền lương của công ty bạn phải căn cứ vào tiền lương mà bạn được nhận hàng tháng, các tháng trích tiền lương đều nhau chứ không thể trích tháng đầu 2,5 triệu, các tháng sau 100 nghìn.
+ Về bảo hiểm xã hội, bạn thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội quy định theo điểm a, khoản 1 điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014:
“a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;”
Theo đó mức đóng bảo hiểm xã hội được quy định như sau
“Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.”
+ Về bảo hiểm y tế bạn thuộc đối tượng đóng bảo hiểm y tế quy định tại khoản 1 điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 như sau:
“1.Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là người lao động).”
Theo đó mức đóng bảo hiểm y tế được quy định tại điểm a khoản 1 điều 13 Luật bảo hiểm y tế 2014 như sau:
“a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức tiền lương, tiền công tháng của người lao động, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.”
Như vậy ở đây bạn có quyền khiếu nại lên công ty về việc thu tiền bảo hiểm không đúng quy định khi thu tiền bảo hiểm không đều giữa các tháng và tính toán dựa vào mức tiền lương mà mình nhận được bạn có thể xét xem mức đóng bảo hiểm hằng tháng đã hợp lý chưa, nếu chưa hợp lý bạn có thể đòi hoàn trả.
2. Về hành vi của bạn:
- Khi bạn nghỉ việc tại công ty tức là bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (ở đây là hợp đồng lao động không xác định thời hạn) phải được thông báo cho công ty theo khoản 3 điều 37 Bộ luật Lao động 2012:
“3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.”
+ Pháp luật không quy định cụ thể việc báo trước phải lập thành văn bản hay có thể bằng lời nói, vậy nếu bạn đã thông báo trước 45 ngày với bên công ty cũ về việc nghỉ viêc một cách rõ ràng thì vẫn được chấp nhận là đã thông báo. Trường hợp này bạn không vi phạm pháp luật khi nghỉ việc.
+ Nếu bạn thông báo bằng lời nói, không nói rõ ràng với bên công ty và thời gian thông báo chưa đủ 45 ngày, bạn đã nghỉ việc thì bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, trường hợp này bạn phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 43, Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”
- Về việc bạn cầm hosting của công ty mà chưa trả cũng có thể không trái quy định pháp luật, theo khoản 2 điều 47 Bộ luật Lao động quy định như sau:
“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.”
Theo đó thời hạn tối đa để thanh toán các khoản liên quan đến quyền lợi mỗi bên, bao gồm việc bạn phải trả lại công ty Hosting là 30 ngày, ở đây bạn nghỉ việc ở công ty 3 tuần, tạm tính là 21 ngày thì chưa vi phạm pháp luật. Nhưng trường hợp này cần có căn cứ chứng minh và lí do rõ ràng về việc chậm trả tài sản.
3. Về vấn đề chiếc laptop cũ:
Việc bạn mua bán không có hóa đơn chịu thuế nhưng nếu có hợp đồng mua bán tài sản thì bạn vẫn có thể lấy hợp đồng mua bán tài sản thay cho hóa đơn để thanh toán khoản chi với công ty.
Trường hợp không có giấy tờ gì để chứng minh với công ty, công ty vẫn yêu cầu bạn phải có hóa đơn thanh toán khoản chi bạn có thể làm biên bản xác nhận việc bạn mua laptop cũ hoàn toàn là theo yêu cầu của bên công ty, bên cạnh đó bạn có thể nhờ người bán laptop đứng ra làm chứng, chứng minh chiếc laptop mà bạn mua cho công ty có giá trị như bạn đã khai báo.
Tựu chung lại, trường hợp của bạn nên giải quyết và làm việc trực tiếp với công ty để đưa ra thỏa thuận và cách giải quyết hợp lý nhất cho cả hai bên. Trường hợp công ty không chịu thỏa thuận giải quyết bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi lên Chánh thanh tra sở lao động.
Hiện tại, do thông tin bạn cung cấp còn hạn chế nên tôi chỉ có thể trả lời sơ bộ cho bạn như vậy. Để có câu trả lời chính xác hơn bạn nên liên hệ trực tiếp với luật sư để cung cấp những thông tin cụ thể, cũng như trao đổi để có được câu trả lời chính xác nhất.
Chuyên viên tư vấn: Phùng Thị Thùy Trang
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.