Ngân hàng VID Public kiện Công ty Liên doanh khách sạn Sài Gòn Lodge

Chủ đề   RSS   
  • #263592 23/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4353 lần


    Ngân hàng VID Public kiện Công ty Liên doanh khách sạn Sài Gòn Lodge

    Số hiệu

    31/PTKT

    Tiêu đề

    Ngân hàng VID Public kiện Công ty Liên doanh khách sạn Sài Gòn Lodge

    Ngày ban hành

    13/08/2001

    Cấp xét xử

    Phúc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của Ngân hàngVID Public, buộc Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge phải trả cho Ngân hàng VID Public số tiền là 431.279,70USD; Bác yêu cầu của Ngân hàng VID Public trong việc yêu cầu ông Võ Văn Bang, bà Huỳnh Thị Mỹ Đức phải trả nợ thay cho Công ty liên doanh khách sạn Sài Gòn Lodge nếu việc phát mãi khách sạn Sài Gòn Lodge không đủ trả nợ hoặc không phát mãi được.

    Tòa án cấp phúc thẩm Bác yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng VID Public và giữ nguyên bản án kinh tế sơ thẩm số 67/KTST ngày 23/04/2001 của Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh 

    Bản án số: 31 /PTKT Ngày:13/8/2001 giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng


     



    Theo trình bày của nguyên đơn :

    Theo hợp đồng tín dụng số HCM/FL/93/1 và HCM/RC/93/2 đề ngày 27-8-1993, Ngân hàng VID public đã cho Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge vay cố định 400.000USD và một hình thức vay luân chuyển 400.000USD được bảo đảm hoàn toàn bằng thế chấp khách sạn và bảo lãnh của các giám đốc công ty. Ngân hàng VID public và Công ty liên doanh khách sạn Sài Gòn Lodge đã ký hợp đồng thế chấp Khách sạn SàiGòn Lodge tại 215 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM, được công chứng tại Phòng Công chứng Nhà nước Tp. Hồ Chí Minh ngày 30-3-1993 theo số 51771 và ngày 15-11-1994 theo số 80208.

    Khoản vay bắt đầu được rút vốn từ ngày 01/3/1994. Theo kiểm tra định kỳ, vào ngày 20/6/1998, ngân hàng đã thông báo cho Công ty liên doanh khách sạn Sài Gòn Lodge biết là hạn mức sử dụng của khoản vay luân chuyển phải được giảm dần hằng năm một khoản 50.000USD có hiệu lực kể từ ngày 31-12-1998. Mặc dù Ngân hàng đã nhắc nhở nhiều lần nhưng Công ty liên doanh khách sạn Sài Gòn Lodge vẫn không thực hiện việc thanh toán khoản 50.000USD này. Ngày 16-01-1999, Ngân hàng đã gởi cho Công ty liên doanh khách sạn Sài Gòn Lodge thông báo thu hồi toàn bộ khoản vay là 354.422USD (bao gồm vốn vay gốc, lãi và lãi quá hạn) tính đến ngày 15-01-1999.

    Ngày 15-3-1999 Ngân hàng VID Public làm đơn khởi kiện yêu cầu Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge phải thanh toán cho ngân hàng các khoản sau:

    Tổng số tiền nợ yêu cầu Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge phải thanh toán là : 354.478,13USD bao gồm :

    Tổng vốn vay gốc : 350.000,00USD

    Tổng lãi phải trả đến ngày 23-3-1999 : 3.470,84USD

    Lãi quá hạn tính trên khoản hoàn trả hằng năm 50.000USD tính đến ngày 23-3-1999 : 1.007,29USD

    Ngày 23-02-2000 Tòa án nhân dân Tp.Hồ Chí Minh đã tổ chức cho các bên đương dự hòa giải với nhau. Do các bên thống nhất cách giải quyết công nợ nên Tòa án đã lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định số27/CNTT-KT ngày 23-02-2000 công nhận thỏa thuận của các bên đương sự. Ngày 25-8-2000 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có công văn số19/KN-AKT kháng nghị quyết định công nhận thỏa thuận giữa các bên đương sự số27/CNTT-KT ngày 23-02-2000 của Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh. Tại bản án giám đốc thẩm số07/GĐT-KT ngày 20-20-2000 Tòa án nhân dân tối cao đã hủy Quyết định công nhận thỏa thuận của các bên đương sự số27/CNTT-KT, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Tp.Hồ Chí Minh giải quyết lại theo thủ tục chung.

    Tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn yêu cầu Công ty liên doanh khách sạn Sài Gòn Lodge phải trả số nợ là 431.279,70USD, trong đó gồm :

    Nợ gốc chưa thanh toán là : 350.000,00USD

    Lãi phát sinh tính đến ngày 23-4-2001 là : 81.279,70USD

    Và tiếp tục tính lãi trên số nợ gốc theo mức lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tương ứng với gian chưa trả nợ cho đến khi Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge trả hết nợ. Trong trường hợp Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge không trả được nợ, yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp là khách sạn Sàigòn Lodge để ngân hàng thu hồi nợ. Nếu việc phát mãi khách sạn Sàigòn Lodge không đủ trả nợ hoặc phát mãi không được thì yêu cầu 02 người bảo lãnh Việt Nam là ông Võ Văn Bang, bà Huỳnh Thị Mỹ Đức phải trả nợ thay.

    Bị đơn (Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge) : xác nhận còn nợ số tiền là 431.279,70USD, như nguyên đơn đã nêu. Trong trường hợp Công ty Liên doanh khách sạn Sàigòn Lodge không trả được nợ, chúng tôi đồng ý phát mãi khách sạn Sàigòn Lodge để trả nợ cho ngân hàng.

    Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan :

    1) Ý kiến của Ông Võ Văn Bang : Chúng tôi chịu trách nhiệm bảo lãnh khi cả 5 người bảo lãnh (2 người Việt Nam và 3 người Malaysia) cùng chịu trách nhiệm bảo lãnh. Đề nghị Tòa án xem xét lại hình thức bảo lãnh của thư bảo lãnh của chúng tôi.

    2) Ý kiến của bà Huỳnh Thị Mỹ Đức : Chúng tôi chỉ thế chấp tòa nhà khách sạn SàiGòn Lodge chứ không thế chấp quyền sử dụng đất tại 215 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM. Khi phát mãi thì phải ký hợp đồng thuê đất với ngươì có quyền sử dụng đất.

    3) Ý kiến của Ông Saw Siang Kin, Ông Lim Chui Pher và Ông Lim Chooi Kui : Chúng tôi tôn trọng các quyết định của Tòa án liên quan đến việc Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge vay tiền tại Ngân hàng VID Public. Riêng về trách nhiệm bảo lãnh của chúng tôi thì chúng tôi vẫn chịu trách nhiệm. Hiện nay Ngân hàng VID Public đang kiện chúng tôi tại Malaysia.

    Tại bản án sơ thẩm số 67/KTST ngày 23/4/2001 Tòa án Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên :

    1/ Chấp nhận một phần yêu cầu của Ngân hàngVID Public, buộc Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge phải trả cho Ngân hàng VID Public số tiền là 431.279,70USD, trong đó gồm :

    Nợ gốc chưa thanh toán là : 350.000,00USD

    Lãi phát sinh tính đến ngày 23-4-2001 là : 81.279,70USD

    Về cách trả nợ : Số nợ trên được trả bằng ngoại tệ, nếu không có ngoại tệ trả thì trả bằng tiền đồng Việt Nam tương đương với 431.279,70USD theo tỷ giá mua của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh vào thời điểm trả tiền. Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge phải tiếp tục trả lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Nhà nước quy định trên số nợ gốc cho đến khi thanh toán xong nợ .

    Trong trường hợp Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge không trả được nợ cho Ngân hàng VID Public thì phải chịu các biện pháp cưỡng chế kể cả việc phát mãi quyền khai thác và sử dụng tòa nhà Khách sạn SàiGòn Lodge trong thời hạn 11 năm còn lại của liên doanh (theo giấy phép đầu tư số 494/GP ngày 31/12/92 thì thời hạn hoạt động của Công ty Liên doanh là 20 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư), sau thời gian đó tài sản được trả cho phía Việt Nam. Việc phát mãi tài sản phải tuân theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư. Chủ nhân mới của tòa nhà khách sạn cũng chỉ được thực hiện quyền khai thác của mình giới hạn trong thời gian còn lại của liên doanh theo giấy phép đầu tư và phải thực hiện việc ký hợp đồng thuê đất với người có quyền sử dụng đất (Bà Huỳnh Thị Mỹ Đức) theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

    2/ Bác yêu cầu của Ngân hàng VID Public trong việc yêu cầu ông Võ Văn Bang, bà Huỳnh Thị Mỹ Đức phải trả nợ thay cho Công ty liên doanh khách sạn Sài Gòn Lodge nếu việc phát mãi khách sạn Sài Gòn Lodge không đủ trả nợ hoặc không phát mãi được.

    3. Về án phí : Công ty liên doanh khách sạn Sài Gòn Lodge phải chịu án phí kinh tế sơ thẩm là 33.280.700đ00 (Ba mươi ba triêu hai trăm tám mưới ngàn bảy trăm đồng), nộp tại Phòng thi hành án TP.Hồ Chí Minh. Hoàn toàn bộ tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền số 003444 ngày 03-4-1999 của Phòng Thi hành án TP. Hồ Chí Minh cho Ngân hàng VID Public

    Ngày 03/5/2001 Ngân hàng VID public kháng cáo yêu cầu hai vấn đề :

    - Phải tuyên buộc trách nhiệm hai người bảo lãnh là bà Đức và ông Bang phải trả nợ thay cho Công ty liên doanh Sài Gòn Lodge.

    - Phải tuyên buộc phát mãi quyền sở hữu đối với tòa khách Sài Gòn Lodge cùng quyền sử dụng đất của bà Đức nơi Tòa khách sạn tọa lạc.

    Tại phiên Tòa phúc thẩm :

    Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo như trên.

    Bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn . Ông Bang và bà Đức cho rằng họ phải ký bảo lãnh là do yêu cầu của nguyên đơn họ là những thành viên của Công ty liên doanh phải ký mới cho vay , vì vậy việc ký bảo lãnh của họ không có cơ quan công chứng nhận.

    Ý kiến Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm :Đề nghị tòa phúc xử theo hướng bác yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm .

    Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét thấy:

    Căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai nhận của các bên đương sự có cơ sở xác định giữa Ngân hàng VID Public và Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge có ký hợp đồng tín dụng số HCM/FL/93/1, HCM/RC/93/2 ký ngày 27-8-1993. Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge đã thừa nhận và cam kết phải hoàn trả số nợ vay luân chuyển là 431.279,70USD cho Ngân hàng VID Public , trong đó gồm :

    Nợ gốc chưa thanh toán là : 350.000,00USD

    Lãi phát sinh tính đến ngày 23-4-2001 là : 81.279,70USD

    Phần này các bên đuong sự đã không có kháng cáo , án sơ thẩm đã tuyên buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn các khoản tiền trên là hoàn toàn có căn cứ .

    Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn cho rằng phải tuyên buộc trách nhiệm bà Đức và ông Bang phải trả nợ thay cho bị đơn trong truòng hợp bị đơn không trả đuọc nợ :

    Xét trong việc Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge ký hợp đồng vay tiền tại Ngân hàng VID Public, ông Võ Văn Bang và bà Huỳnh Thị Mỹ Đức có làm văn bản bảo lãnh cho Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge vay tiền tại Ngân hàng VID Public. Nhưng việc bảo lãnh này chưa được Phòng công chứng Nhà nước chứng nhận. Tại khoản 3 điều 2 của Nghị định 17/HĐBT ngày 16/01/90 của Hội đồng Bộ Trưởng nay là Chính Phủ qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế ,quy định “Bảo lãnh tài sản là sự bảo đảm bằng tài sản thuộc quyền sở hữu của người nhận bảo lãnh để chịu trách nhiệm tài sản thay cho người được bảo lãnh khi người này vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký kết. Người nhận bảo lãnh phải có số tài sản bảo lãnh không ít hơn số tài sản mà người đó đã nhận bảo lãnh. Việc bảo lãnh tài sản phải được làm bằng văn bản có sự xác nhận về tài sản của Ngân hàng nơi người bảo lãnh giao dịch và cơ quan công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh (trường hợp không có cơ quan công chứng)”.Như vậy, việc ông Bang và bà Đức lập giấy bảo lãnh cho Công ty Liên doanh khách sạn Gài Gòn Lodge vay tiền tại Ngân hàng VID Public là không phù hợp với quy định pháp luật về bảo lãnh . Lẽ ra án sơ thẩm phải tuyên vô hiệu hợp đồng bảo lãnh này . Nhưng xét thấy trong phần nhận định án sơ thẩm đã có nêu và phần quy��t định đã không tuyên buộc trách nhiệm hai người bảo lãnh này là phù hợp , nên xét thấy không cần thiết sửa án sơ thẩm . Do đó không không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của nguyên đơn .

    Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn về việc yêu cầu tuyên buộc phát mãi quyền sở hữu chủ đối với tòa khách sạn và quyền sử dụng đất của bà Đức :

    Đối với hợp đồng tín dụng số HCM/FL/93/1, HCM/RC/93/2 ký ngày 27-8-1993 , để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng tín dụng này thì Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge đã thế chấp Khách sạn SàiGòn Lodge tại 215 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM của Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge cho Ngân hàng VID Public, việc thế chấp này đã được Phòng Công chứng Nhà nước TP.Hồ Chí Minh chứng nhận số 51771 ngày 30-3-1993 và số 80208 ngày 15-11-1994.

    Khách sạn SàiGòn Lodge tọa lạc tại 215 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, thửa đất này có diện tích 815m2 tại thời điểm hiện nay vẫn thuộc quyền sử dụng đất của bà Huỳnh Thị Mỹ Đức theo Quyết định chứng nhận quyền sử dụng đất số944/QĐ-ĐĐ ngày 15-10-1993 của Ban quản lý đất đai Thành phố Hồ Chí Minh. Do giới hạn của Luật Đất đai năm 1993 và Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất ngày 14-10-1994 thì tư nhân không được đưa quyền sử dụng đất để góp vốn để liên doanh với nước ngoài nên Công ty liên doanh khách sạn Sài Gòn Lodge không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khách sạn SàiGòn Lodge là tài sản của Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge nên phải theo sự điều chỉnh của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và giấy phép đầu tư. Theo giấy phép thời hạn của liên doanh là 20 năm, đất sử dụng là thuê, thời hạn hoạt động của liên doanh còn lại 11 năm, sau thời gian đó tài sản được trả cho phía Việt Nam. Do đó, nếu Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge không trả được nợ cho Ngân hàng VID Public thì phải chịu các biện pháp cưỡng chế kể cả việc phát mãi quyền khai thác và sử dụng tòa nhà Khách sạn SàiGòn Lodge trong thời hạn 11 năm còn lại của liên doanh (theo giấy phép đầu tư số 494/GP ngày 31/12/92 thì thời hạn hoạt động của Công ty Liên doanh là 20 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư), sau thời gian đó tài sản được trả cho phía Việt Nam. Việc phát mãi tài sản phải tuân theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư. Chủ nhân mới của tòa nhà khách sạn cũng chỉ được thực hiện quyền khai thác của mình giới hạn trong thời gian còn lại của liên doanh theo giấy phép đầu tư số 494/GP ngày 31/12/92 và phải thực hiện việc ký hợp đồng thuê đất với người có quyền sử dụng đất (Bà Huỳnh Thị Mỹ Đức) theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

    Tranh chấp này phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng tín dụng ký giữa Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge với Ngân hàng VID Public, chứ không giải quyết tranh chấp trong việc góp vốn giữa các bên liên doanh trong Công ty liên doanh khách sạn SàiGòn Lodge. Do đó, không thể đưa quyền sử dụng đất tại 215 Nam Kỳ Khởi Nghĩa của bà Huỳnh Thị Mỹ Đức vào liên doanh mà không được sự đồng ý của các bên liên doanh. Mặt khác, trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết vụ án này, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã có công văn số 7916/BKH/QLDA ngày 14-11-1998 hướng dẫn các bên lập hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét điều chỉnh giấy phép, nhưng các bên vẫn không thực hiện. Ngày 17-7-2000 Bộ Kế hoạch và đầu tư có công văn số4388/BKH-QLDA nêu rõ “Việc phát mãi chỉ tiến hành đối với tòa nhà theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng thế chấp ký ngày 15-11-1994, mà không phát mãi quyền sử dụng đất nơi tòa nhà tọa lạc và trang thiết bị; đồng thời việc phát mãi chỉ để thu đủ khoản nợ còn thiếu. Thời gian phát mãi quyền khai thác tòa nhà không dài hơn thời gian còn lại của dự án quy định tại giấy phép đầu tư số 494/GP ngày 31-12-1992. Sau khi tòa nhà được phát mãi chủ nhân mới của Tòa nhà phải sử dụng tòa nhà đúng mục tiêu quy định tại giấy phép đầu tư và phải trả tiền thuê đất trong thời gian khai thác cho người được giao quyền sử dụng đất”.

    Do đó không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của nguyên đơn .

    Từ những nhận định trên,Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh xét thấy có cơ sở để chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm .

    Để đảm bảo thi hành án cần phải duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 239/QĐADBPKCTT ngày 31/7/2001.

    Căn cứ Điều 70 khoản 1 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế .

    TÒA PHÚC THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

    QUYẾT ĐỊNH :

    1. Về hình thức :Chấp nhận đơn kháng cáo của Ngân hàng VID Public vì được làm trong hạn Luật định.

    2. Về nội dung : Bác yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng VID Public và giữ nguyên bản án kinh tế sơ thẩm số 67/KTST ngày 23/04/2001 của Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh .

    3. Để đảm bảo thi hành án cần phải duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 239/QĐADBPKCTT ngày 31/7/2001.

    4. Án phí kinh tế phúc thẩm : Ngân hàng VID Public phải chịu án phí kinh tế phúc thẩm là 200.000 đồng được cấn trừ tiền tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 23/05/2013 03:21:21 CH Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 23/05/2013 03:20:54 CH
     
    4338 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận