“Ngậm máu phun người” là gì? Hành vi “ngậm máu phun người” liệu có bị xử phạt?

Chủ đề   RSS   
  • #611075 29/04/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 28552
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 604 lần
    SMod

    “Ngậm máu phun người” là gì? Hành vi “ngậm máu phun người” liệu có bị xử phạt?

    Sau đây hãy cùng tìm hiểu thêm về ý nghĩa của câu “ngậm máu phun người”. Người có hành vi này liệu có bị xử phạt hay không?

    (1) Ngậm máu phun người là gì?

    Theo Đại từ điển tiếng Việt, “ngậm máu phun người” là một thành ngữ dùng để chỉ việc một người đặt điều gièm pha, vu khống một cách độc ác, đê tiện nhằm làm hại, gieo tai vạ cho người khác. 

    Thành ngữ trên có nguồn gốc từ câu tiếng Hán là “hàm huyết phún nhân tiên ô kì khấu”. Có nghĩa là kẻ nào ngậm máu để phun người thì trước hết mồm kẻ ấy bị vấy máu, bẩn thỉu, hàm ý kẻ nào gieo tai vạ cho người khác thì coi như chính mình bị tai vạ.

    (2) Hành vi “ngậm máu phun người”

    Một ví dụ điển hình cho hành vi “ngậm máu phun người” xảy ra thời gian gần đây chắc hẳn chính là vụ việc một TikToker đã đăng đàn trên mạng xã hội Facebook cho rằng bản thân bị phân biệt đối xử khi bị 02 quán phở tại Hà Nội từ chối nhận khách vì đi xe lăn.

    Sau bài đăng này, hàng ngàn cư dân mạng, thậm chí cơ quan chức năng cũng vào cuộc điều tra làm rõ. Nếu sự thật đúng như lời của TikToker này chia sẻ thì chắc chắn chủ 02 quán phở sẽ nhận về hậu quả xứng đáng. Tuy nhiên, sau khi trích xuất camera tại quán phở, khán giả lại chứng kiến câu chuyện trái ngược hoàn toàn. Đoạn băng ghi hình cho thấy nhân viên tại quán đón tiếp niềm nở, không hề có hành động “đuổi khách”. Đồng thời, bà chủ tiệm phở thứ 02 cũng khẳng định không hề có chuyện chì chiết TikToker này, bà sẵn sàng thề độc nếu những lời mình nói sai sự thật.

    Ngày 28/4/2024, trao đổi với phóng viên, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho biết, đơn vị vừa có buổi làm việc trực tiếp với nam Tiktoker V.M.L. Trước đó, Tiktoker này cũng đã nhiều lần từ chối, không tiếp nhận giấy mời làm việc của Sở.

    (3) “Ngậm máu phun người” liệu có bị xử phạt?

    Đối với hành vi “ngậm máu phun người” còn phải phụ thuộc theo tính chất, mức độ vi phạm của sự việc mà sẽ đưa ra mức xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

    Căn cứ theo Điều 34 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và quy định tại Điều 584, từ Điều 589 đến Điều 592 Bộ Luật Dân sự 2015 thì cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại. 

    Về xử phạt vi phạm hành chính: 

    Căn cứ theo Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin quy định người có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

    Tuy nhiên, mức xử phạt nêu trên áp dụng đối với tổ chức, mức xử phạt áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm bằng 1/2 lần mức xử phạt của tổ chức (Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP). Bên cạnh đó, chủ thể vi phạm còn bị buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đó.

    Ngoài ra, trường hợp nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015 có thể phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm về tội Vu khống, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Cá nhân khi danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm hại cần có đơn khiếu nại gửi đến đơn vị này hoặc cơ quan công an nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

    Như vậy, đối với người có hành vi “ngậm máu phun người” sẽ tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm để có thể đưa ra được mức xử phạt chính xác. Trường hợp đủ căn cứ xác định hành vi “ngậm máu phun người” có tính chất vu khống thì người vi phạm có khả năng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

     
    845 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận