Theo quy định của pháp luật hình sự, chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau:
- Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt về tội gì.
- Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng.
- Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên.
- Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Với quy định trên nhằm hạn chế việc áp dụng án treo một cách tùy tiện, mà chỉ được áp dụng với tội phạm ít nghiêm trọng. Đây được xem là chính sách “ưu đãi đặc biệt” của Nhà nước đối với người phạm tôi.
Tuy nhiên, Theo báo cáo của TANDTC, tỷ lệ án treo đối với án liên quan đến tham nhũng là 36,5% (năm 2010), 37,1% (năm 2011), 30,2% (năm 2012). Việc tỷ lệ các bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng được hưởng án treo nhiều hơn các loại tội phạm khác đã gây dư luận bức xúc (Pháp luật VN).
Có ý kiến đề xuất bỏ án treo đối với án liên quan đến tham nhũng nhằm phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả và thiết lập công bằng.
Vậy có nên bỏ án treo đối với tội phạm tham nhũng hay không?
P/s: Theo ý kiến cá nhân của mình thì không nên bỏ án treo đối với tội phạm tham nhũng vì luật định đã khá chặt chẽ, chỉ có tội phạm ít nghiêm trọng mới được xem xét để áp dụng án treo. Vấn đề đáng bàn ở đây là “hệ thống tư pháp” có áp dụng đúng luật hay vì lý do gì đó “mánh khóe” luật để áp dụng án treo tùy tiện.