Xe hợp đồng khi đưa vào kinh doanh phải tuân thủ những nguyên tắc nào? Thủ tục đề nghị cấp phù hiệu cho xe hợp đồng ra sao? Không có phù hiệu thì bị phạt thế nào? Hãy tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Năm 2024, kinh doanh xe hợp đồng cần tuân thủ theo những nguyên tắc nào?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 41/2024/NĐ-CP có quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng như sau:
Đối với xe:
- Phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe và phải được niêm yết các thông tin khác trên xe.
- Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ là 06 x 20 cm.
- Tuân thủ theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Đối với đơn vị kinh doanh và người lái xe:
- Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).
- Chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
- Không gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp.
- Không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.
- Không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.
- Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.
Bên cạnh đó, khi vận chuyển hành khách thì ngoài những giấy tờ phải mang theo theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008 ra thì người lái xe còn phải mang theo những giấy tờ khác như sau:
- Hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
- Danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải.
- Trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử, lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp. Nếu thuộc trường hợp này thì sẽ không cần mang theo 02 loại giấy tờ bản giấy như đã nêu trên. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp thực hiện hợp đồng vận chuyển phục vụ đám tang, đám cưới.
Như vậy, năm 2024, khi kinh doanh xe hợp đồng thì phải tuân thủ theo những quy định như đã nêu trên.
(2) Thủ tục đề nghị cấp phù hiệu xe hợp đồng năm 2024 như thế nào?
Căn cứ Khoản 5 Điều 22 Nghị định 10/2022/NĐ-CP thì thủ tục đề nghị cấp phù hiệu cho xe hợp đồng bao gồm 03 bước như sau:
Bước 01: Chuẩn bị hồ sơ
Tại bước này, tổ chức, cá nhân cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ như sau:
- Giấy đề nghị cấp phù hiệu, theo mẫu tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi Nghị định 41/2024/NĐ-CP.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/23/don-de-nghi-cap-phu-hieu.doc Mẫu giấy đề nghị cấp phù hiệu
- Bản sao giấy đăng ký xe ô tô hoặc bản sao giấy hẹn nhận giấy đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký.
- Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị thì phải xuất trình thêm bản sao của 01 trong những giấy tờ như sau:
+ Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân.
+ Hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã.
+ Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Bước 02: Nộp hồ sơ
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ 01 bộ hồ sơ như đã nêu trên, tổ chức, cá nhân gửi về Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị của mình.
Tai bước này, khi tiếp nhận hồ sơ, nếu cần phải sửa đổi, bổ sung, Sở GTVT sẽ thông báo nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến đơn vị trong vòng 01 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ.
Về hình thức thông báo, có thể thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Bước 03: Cấp phù hiệu xe hợp đồng
Phù hiệu xe hợp đồng sẽ được cấp cho đơn vị trong thời hạn là 02 ngày làm việc tính từ khi Sở GTVT nhận được hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp từ chối không cấp thì Sở sẽ trả lời rõ lý do bằng văn bản hoặc trả lời thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan cấp hoặc qua đường bưu điện hoặc hình thức phù hợp khác theo quy định.
Trường hợp tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cấp hoặc qua đường bưu điện, cán bộ tiếp nhận sẽ cập nhật thông tin của các hồ sơ đúng theo quy định vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT. Cơ quan cấp thực hiện việc xử lý hồ sơ và cấp phù hiệu trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ.
Theo đó, năm 2024, thủ tục cấp phù hiệu cho xe hợp đồng bao gồm 03 bước như đã nêu trên.
(3) Trường hợp xe hợp đồng không có phù hiệu thì bị xử phạt thế nào?
Căn cứ Điểm b Khoản 7 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm d Khoản 12 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 05 đến 07 triệu đồng đối với hành vi:
Điều khiển xe chở hành khách không có hoặc không gắn phù hiệu (biển hiệu) theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu (biển hiệu) không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Bên cạnh đó, người vi phạm hành vi này còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Như vậy, trường hợp xe hợp đồng không có phù hiệu thì bị phạt tiền từ 05 đến 07 triệu đồng và tước bằng lái xe từ 01 đến 03 tháng.