Mượn vàng và tiền có người làm chứng được tòa án thụ lý giải quyết hay không?

Chủ đề   RSS   
  • #417887 09/03/2016

    Mượn vàng và tiền có người làm chứng được tòa án thụ lý giải quyết hay không?

    Vào khoảng năm 2008 tôi có xuống ngân hàng huyện Đầm Dơi vay 8.200.000 nghìn đồng và cho trường tiểu học Tân Thới mượn 3.000.000 đồng và tôi tiếp tục mua một lượng vàng (10 chỉ) cho ông Phạm Văn H mượn, lúc này ông H làm trưởng ấp Tân Thới A, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà mau. tôi tin tưởng ông H nên không có làm biên nhận, đến thời điểm tôi đòi số nợ trên nhưng ông không trả và nói rằng không có mượn.

    tôi đã làm đơn gửi đến tòa án mời giải quyết, đến 3,4 lần. nhưng ông không thừa nhận số tiền ông mượn tôi mà thừa nhận có mượn 3.000.000 đồng của trường học Tân Thới mượn. Tòa án đòi bằng chứng, nhưng tôi chỉ có tờ xác nhận làm chứng của những người biết sự việc nêu trên, nhưng tòa không chịu và đòi bằng chứng.

    Hỏi:

    1. Sự việc trên tôi phải làm như thế nào để đòi lại được số tiền ông H đã thiếu tôi. hướng dẫn cho tôi thủ tục để khởi kiện.

    2. Tòa án không thụ lý hồ sơ tôi nữa và chỉ xử ông H trả lại cho tôi 3.000.000 đồng.

    nhờ Luật sư tận tình giúp đở, chúc sức khỏe.

     
    3182 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #449347   12/03/2017

             Chào bạn! Dựa vào những gì bạn cung cấp tôi có một số góp ý như sau:

          Trước hết, khả năng khởi kiện của bạn rất hạn chế bởi: không có bằng chứng về hợp đồng, ông H một mực không chịu thừa nhận, dù đã hòa giải 3, 4 lần nhưng không thành công, và “tòa án không thụ lý hồ sơ”.

          Do thái độ của ông H không thừa nhận nên khả năng thương lượng, hòa giải không đem lại hiệu quả nên để đòi được tiền thì việc bạn cần làm là chứng minh việc khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.

          Bạn đã chứng minh thông qua người làm chứng. Lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khi chưa được xác minh mới chỉ là dấu hiệu. Lời khai của người đó trở thành chứng cứ khi nó đã được xem xét, đối chiếu, thấy phù hợp với các chứng cứ liên quan khác, căn cứ điều 95 BLTTDS 2015 (Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

          “Điều 95. Xác định chứng cứ

           […] 5. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.[…].”

          Nếu được coi là chứng cứ, sẽ có giá trị như chứng cứ căn cứ điều 93 BLTTDS 2015

          “Điều 93. Chứng cứ

           Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”

           Tuy nhiên, nếu thực tế người làm chứng không trực tiếp chứng kiến, tham gia vào cuộc giao dịch của bạn và ông H thì giá trị của chứng cứ này dù chứng minh được cũng rất thấp. Bạn cần chú ý hình thức của lời khai của nhân chứng để chứng cứ có hiệu lực trước tòa.

           Để chứng minh việc khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp, bạn có thể thu thập thêm chứng cứ từ: giấy tờ chứng minh thời gian, địa điểm, số vàng đã mua; cung cấp lịch sử cuộc gọi và tin nhắn.

           Đặc biệt quan trọng nhất và có giá trị nhất là bạn có được sự thừa nhận của ông H. Bạn nên khéo léo ghi âm, ghi hình cuộc nói chuyện với ông H, dùng các cách trong khả năng của bạn để có sự thừa nhận đã cầm số vàng của bạn của ông H; và cung cấp kèm theo đó văn bản xuất xứ của tài liệu, việc ghi âm, ghi hình đó.

          “Điều 95. Xác định chứng cứ

            […] 2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. […].”

           Và những bằng chứng này đủ sức thuyết phục, bạn hãy tuân theo thủ tục để khởi kiện căn cứ theo BLTTDS 2015:

     

            1. Làm đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo: Hình thức, nội dung đơn và bộ hồ sơ đưa ra kiện căn cứ theo điều 189 BLTTDS 2015:

            “Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện

             1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện […].

             5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm hại. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.”

     

            Thủ tục khởi kiện cần những giấy tờ sau:

            + Đơn khởi kiện (mẫu đơn số 01 được ban hành theo Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP)

            + Các tài liệu liên quan đến vụ việc (căn cứ theo mẫu ban hành theo Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP)

            + Các giấy tờ liên quan xác định tư cách đương sự

            + Bản kê khai các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiên (ghi rõ số bản chính, bản sao)

     

             2. Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết và gửi đơn kiện: Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên là Tòa án nhân dân huyện Đầm Dơi căn cứ xác định theo điều 26, 35, 39 BLTTDS 2015

            “Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

             […]

             3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.

             […].”

            “Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

             1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

            a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

            [….].”

           “Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

            1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

            a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

             […].”

             Hình thức gửi đơn kiện: Bạn gửi đơn khởi kiện, tài liệu và chứng cứ kèm theo đến Toà án nhân dân huyện Đầm Dơi bằng phương thức nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi đến Toà án qua bưu điện. Ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Toà án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Tuy nhiên, xét về thực tế để tránh việc thất lạc hồ sơ thì bạn nên trực tiếp đến Toà án để nộp đơn khởi kiện, nếu gửi qua bưu điện thì cần gửi qua thư bảo đảm, căn cứ điều 190 BLTTDS 2015.

            “Điều 190. Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án

             1. Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

             a) Nộp trực tiếp tại Tòa án;

             b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

             c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

           2. Ngày khởi kiện là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi.

          […].”

          Chú ý thời hiệu khởi kiện: 02 năm, tuy nhiên tòa án chỉ áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp tại khoản 2 điều 184 BLTTDS 2015

          “Điều 184. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

          1. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.

          2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

              Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.”

     

           3. Quy trình khởi kiện

    STT

    Quy trình thực hiện

    Thời gian giải quyết

    1

    Nộp đơn khởi kiện

    05 ngày

    2

    Tòa án xem xét thụ lý

    Thụ lý vụ án

    05 ngày

    Trả lại đơn khởi kiện

    Trong vòng 10 ngày bạn có quyền khiếu nại quyết định này của Tòa án

    3

    Nộp tiền tạm ứng lệ phí, nộp lại biên lai cho Tòa án để tòa án thụ lý và giải quyết vụ việc.

    Trong 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của tòa án.

    4

    Bạn và ông H hòa giải

    Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, 04 tháng.

    5

    Nếu hòa giải không thành Tòa án sẽ đưa vụ việc ra xét xử nếu thấy đủ chứng cứ.

    Tối đa 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.

     

                Hiện tại, do các thông tin mà bạn cung cấp còn hạn chế, nên tôi chỉ có thể trả lời sơ bộ cho bạn như vậy. Để có được câu trả lời chính xác hơn bạn nên liên hệ trực tiếp với luật sư để cung cấp thêm những thông tin cụ thể, cũng như trao đổi để tìm ra phương án tốt nhất.

     

                Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Hương Giang

     

    BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM

    M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com

    Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.

     
    Báo quản trị |