Khởi kiện, tố cáo cha mẹ
Gia đình là nơi ươm mầm cho con trẻ, tuy nhiên không ít trường hợp con cái bị chính cha mẹ mình xâm phạm quyền lợi, trường hợp này các em có thể khởi kiện, tố cáo chính cha mẹ mình hay không?
Việc khởi kiện, tố cáo là quyền của công dân, tuy nhiên đối với những đối tượng ở độ tuổi khác nhau, sẽ có khác biệt trong thủ tục thực hiện quyền này.
Trong việc khởi kiện dân sự
Điều 17 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Điêu này có nghĩa, để có thể xác lập, thực hiện các quyền của mình, con cái phải có năng lực hành vi dân sự.
Khi công dân đủ 18 tuổi trở lên, họ sẽ có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (nếu chưa đủ 18 tuổi chỉ chỉ có năng lực hành vi dân sự một phần) theo Khoản 2 Điều 22 BLDS 2015.
Kế đó Khoản 2 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về các trường hợp làm đơn khởi kiện như sau:
- Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.
- Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi con cái muốn kiện nhưng người đại diện hợp pháp của họ lại chính là người xâm phạm quyền lợi của họ thì phải giải quyết như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, Điều 187 BLTTDS có quy định về các trường hợp được khởi kiện cho người khác, trong đó bao gồm:
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
- Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Với 2 căn cứ trên, khi những người chưa có đủ năng lực hành vi dân sự muốn khởi kiện chính người đại diện của mình, họ có thể tìm đến những cơ quan nhà nước có thẩm quyền để nhờ thực hiện quyền khởi kiện cho mình.
>>> Trình tự giải quyết vụ án dân sự
Trong việc tố cáo, tố giác tội phạm
Nếu trẻ là người trực tiếp tố cáo cha mẹ mình, pháp luật không giới hạn độ tuổi thực hiện việc tố cáo.
Cụ thể, tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:
Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
>>> Trình tự giải quyết vụ án hình sự
Như vậy, bất kỳ ai, kể cả trẻ em cũng có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Trong trường hợp bị xâm phạm nghiêm trọng về thân thể, quyền lợi, trẻ hoàn toàn có thể tự mình trình báo với cơ quan điều tra để được bảo vệ một cách toàn diện.
Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 26/11/2020 07:50:46 SA